Những sai lầm ngớ ngẩn nhất trong các phim từng được công chiếu

Ngày 26/12/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Chúng ta đều biết rằng phim ảnh có sức mạnh vô biên bởi nó có thể kết nối các nền văn hóa, giúp ta bước vào một thế giới khác với hiện tại, đưa ta về với quá khứ, đến với tương lai hay thậm chí là một hành tinh xa xôi nào đó. Tuy nhiên, dù có hư cấu hay ảo tung chảo cỡ nào thì phim ảnh cũng phải tuân thủ theo những kiến thức cơ bản về lịch sử, logic hay khoa học nếu không muốn bị mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn đến mức khó chấp nhận. 

Biết là thế, song trên thực tế, những nhà làm phim cũng chỉ là con người và vẫn mắc sai lầm như thường. Và thậm chí, thật không may có những lỗi ngớ ngẩn đến độ khiến khán giả phải phì cười hay chưng hửng rõ rành rành nhưng vẫn không hề bị cắt xén hay vô tình bị bỏ qua. Nếu bạn là “thánh soi” hãy cùng Lalung.vn cùng điểm qua những sai lầm ngớ ngẩn nhất trong các phim từng được công chiếu mà lẽ ra chúng phải được chỉnh sửa kỹ càng trước khi tung ra rạp.

 

1) The Mummy: Nữ giới được quyền kế vị ngai vàng?

Sai lầm, phim, công chiếu

@Universal Pictures

Năm 2017 vừa qua đánh dấu sự trở lại của siêu phẩm The Mummy với diễn xuất của ngôi sao gạo cội Tom Cruise.Thế nhưng bộ phim lại gây thất vọng không ít với nội dung không xứng như đã được trông đợi. Hiệu ứng phim thì không có gì phải bàn, cốt truyện cũng theo motif những phần phim trước khi kể về một người lính nghĩa vụ của quân đội Mĩ tại chiến trường Iraq đồng thời là tay trộm mộ nghiệp dư có tên là Nick Morton. Trong khi theo dấu một tấm bản đồ kho báu, anh đã tình cờ phát hiện ra hầm mộ của công chúa của Ahmanet và khiến cả thế giới phải đối mặt với sự cuồng nộ của cô ta.

Tuy nhiên, phim lại mắc phải một lỗi không chính xác về lịch sử khiến cho nhiều người cảm thấy vô lý. Nhân vật chính của phim là công chúa Ahmanet, người được kế vị ngai vàng của vua cha. Nhưng ở Ai Cập thời cổ đại, chỉ có nam giới mới có thể trở thành Pharaon. Phải chăng đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự thất bại cho bộ phim từng được kỳ vọng là bom tấn này?

 

2) Back to the Future: Âm nhạc đi trước thời đại

Sai lầm, phim, công chiếu

@Universal Pictures

Được xem là một “huyền thoại” trong dòng phim viễn tưởng, Back to the Future công chiếu năm 1985 kể về cậu bé đã bị cỗ máy thời gian của tiến sĩ lập dị Emmett đưa về quá khứ tận 30 năm trước và gặp lại bố mẹ của mình khi còn rất trẻ. Khi đó, các rắc rối bắt đầu nảy sinh khi mọi thứ trở nên đảo lộn, Marty phải tìm mọi cách để đưa mọi thứ trở lại bình thường và quay về hiện tại. 

Phim có một cảnh khi Marty McFly bước lên sân khấu Enchanted Under The Sea và sử dùng cây guitar điện Gibson ES-345 để chơi bài “Johnny B. Goode” vào năm 1955. Nhưng điều buồn cười là cả bài hát và cây đàn guitar này mãi đến năm 1959 mới xuất hiện trên thị trường. 

 

3) Jaws: Cá mập bị “hàm oan” bấy lâu

Sai lầm, phim, công chiếu

@Universal Pictures

Không cần phải bàn cãi, loạt phim Jaws - Hàm cá mập đã trở thành một trong những series phim kinh dị cực kỳ được yêu thích mặc dù cũng gây ra vô số ám ảnh cho chúng ta về những con cá mập hung tợn ngoài biển khơi.

Bọn cá mập trong phim đã gieo rắc không biết bao nhiêu kinh hoàng cho những người ra khơi. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, con người đã gán ghép cho bọn cá mập trong phim một số đặc điểm mà bọn chúng thực sự không hề có. Đơn cử một sự “nói dối” trắng trợn là nhà làm phim thêm thắt cho cá mập là chúng có thể gầm gừ thành những âm thanh đáng sợ trong khi thực tế chúng hoàn toàn không có dây thanh quản. Ngoài đời, cá mập cũng không bơi ngược lại theo cách mà phim Jaws đã thể hiện. Nhưng dù gì những điều này cũng khiến cho bộ phim đạt được hiệu ứng gây sợ hãi đến thòng tim như nhà làm phim mong muốn. Chỉ có điều nếu bọn cá mập mà biết nói năng, bảo đảm chúng sẽ đòi lấy lại công bằng cho tất cả các anh em trên khắp các đại dương. 

 

4) Braveheart: Những bộ váy lạc thời đại

Sai lầm, phim, công chiếu

@Paramount Pictures/20th Century Fox

Braveheart là bộ phim sử thi dựa trên một câu chuyện thật có nguồn gốc từ Scotland, đã tạo được tiếng tăm cho đạo diễn kiêm diễn viên Mel Gibson. Bộ phim kể về cuộc đời của hiệp sĩ William Wallace đã lãnh đạo nhân dân Scotland đấu tranh giành độc lập trước sự đô hộ của người Anh dưới triều đại của Vua Edward I. 

Tuy nhiên, Braveheart lại có nhiều điểm chưa chính xác về mặt lịch sử. Trong bộ phim, William Wallace và bạn bè của ông mặc váy kilt ở thế kỷ thứ 13, nhưng loại váy này mãi cho đến thế kỷ 17 mới được người Scotland mặc, tức là đến bốn thế kỷ sau khi các sự kiện trong bối cảnh phim xảy ra! Đó là chưa kể, phim có nhắc đến chuyện tình của Wallace và nàng Isabella nhưng theo lịch sử, vào thời điểm sự kiện diễn ra năm 1276 thì Isabella mới chỉ mới lên… 3 tuổi nên mối tình này chỉ có thể là chuyện hư cấu trên màn ảnh!

 

5) Cast Away: Hộp giấy không ướt?

Sai lầm, phim, công chiếu

@20th Century Fox/Dreamworks Pictures

Trong bộ phim Cast Away - Một mình trên hoang đảo công chiếu năm 2000, anh chàng Chuck Nolan do ngôi sao Tom Hanks thủ vai đã gặp một tai nạn máy bay trên đường đi công tác và dạt vào một hòn đảo hoang, Tại đây, suốt 4 năm Chuck phải tìm mọi cách để sinh tồn như một Robinson Crusoe thời hiện đại. Anh đã đặt tên cho một quả bóng chuyền là Wilson và sử dụng nó cũng như những thứ khác trên đảo để tự giải khuây suốt thời gian sống trên đảo hoang. 

Nhưng có một cảnh phim hơi kỳ quái, Chuck đã tìm thấy rất nhiều hộp giấy của hãng chuyển phát nhanh FedEx trôi nổi trong nước biển và vớt lên. Nhưng khi ông mở ra, những thứ bên trong không hề ướt, mặc dù loại hộp này không phải là hộp chống thấm nước. Cái gì đây, quảng cáo trá hình cho FedEx chăng? Nhiều khán giả đã tự hỏi điều này khi xem phim! Tuy nhiên dù gì Cast Away cũng đạt nhiều thành công cả về chất lượng lẫn doanh thu phòng vé. Riêng Tom Hanks giành được một Quả Cầu Vàng và một đề cử Oscar dành cho “Nam diễn viễn chính xuất sắc” vào năm 2001 cho vai duễn xuất sắc này.

 

6) Indiana Jones: Huy chương chiến tranh không chính xác

Sai lầm, phim, công chiếu

@Paramount Pictures

Trong loạt phim đình đám Indiana Jones ở phần phim Raiders of the Lost Ark công chiếu 1981, khi truy tìm Chiếc rương Thánh tích, Indiana phải đối đầu với các Nazi tức Lính Đức quốc xã thời Adolf Hitler. Một sai lầm ngớ ngẩn ở đây là chiến tranh Thế giới thứ 2 đã không xảy ra cho đến năm 1939 - một năm sau khi các sự kiện của bộ phim diễn ra. 

Đồng thời, trong phim chúng ta thấy những tay lính Đức Quốc xã đều đeo có huy chương chiến tranh Waffen-SS (Lực lượng võ trang SS) trên đồng phục của họ và điều buồn cười là loại huy chương này chỉ chính thức xuất hiện từ năm 1940. Hơn thế nữa, lính Nazi nào cũng đeo có mỗi một hàm Standartenführer tức Đại tá trên cầu vai tuốt tuồn tuột. Nhà làm phim lười sản xuất nhiều loại huy chương - thứ chỉ xuất hiện chớp nhoáng trên màn ảnh chăng? Ấy vậy mà vẫn không thoát khỏi cặp mắt cú diều của các Thánh Soi mê phim.

 

7) American Sniper: Bé bé bằng bông 

Sai lầm, phim, công chiếu

@Warner Bros. Pictures

Trong phim American Sniper – Lính bắn tỉa Mỹ năm 2014, nam diễn viên Bradley Cooper sắm vai một người lính hải quân SEAL kể về cuộc đời binh nghiệp của mình. Trong một cảnh quay, anh đóng cảnh một người cha đang ôm đứa con bé bỏng của mình trong tay. Tuy nhiên, ai tinh mắt có thể thấy rõ mồn một, anh chàng đang ẵm một con búp bê nhựa chứ không phải là một đứa trẻ thực sự. Có vẻ như các nhà sản xuất không thể tìm được một đứa bé đích thực cho vai diễn này. Nhưng dù không cứ phải là một thiên tài để phát hiện ra sai lầm ngớ ngẩn này thì bạn cũng có thể thông cảm cho đoàn phim bởi vì giữ cho bọn trẻ sơ sinh nín khóc thôi cũng là cả một vấn đề chứ chẳng đùa!

 

8) Troy: Sự xuất hiện sai chỗ của cây dù hồng 

Sai lầm, phim, công chiếu

@Warner Bros. Pictures

Trong bộ phim chiến tranh sử thi lừng danh Cuộc chiến thành Troy, mặc dù được đánh giá là rất thành công nhưng một số chi tiết nhỏ nhặt về bối cảnh phim cũng được các khán giả khó tính bắt bẻ. 

Đơn cử là chiếc xe ngựa mà Paris và Helen cưỡi khi diễu hành ngang qua thành phố có chiếc dù che nắng hồng hồng tuyết tuyết ngự bên trên. Nhưng vấn đề phi lý ở chỗ bộ phim diễn ra trong thế kỷ 12 Trước Công Nguyên thì không thể có một vật dụng “sến súa” như thế này xuất hiện bởi mãi đến 8 thế kỷ sau đó thì dù che nắng mới được phát minh ra!

 

9) The Sound of Music: Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất? 

Sai lầm, phim, công chiếu

@20th Century Fox

The Sound of Music là một bộ phim nhạc kịch cổ điển nổi tiếng đã giành được đến 5 giải Oscar của đạo diễn Robert Wise năm 1965. Phim kể về câu chuyện của một cô gái trẻ đã rời nữ tu viện để đến nhận việc gia sư cho gia đình có bảy người con của một viên sĩ quan hải quân góa vợ có tên là von Trapp. 

Ở cuối phim, gia đình von Trapp đã có một cảnh đi bộ qua những ngọn đồi Obersalzburg của vùng Bavaria, Đức hòng trốn thoát khỏi quân Đức quốc xã. Thế nhưng, trong lịch sử, dinh thự Berghof của Hitler nằm ngay trên đỉnh ngọn đồi này. Nói cách khác, đây là kiểu “đâm đầu vào hang sói”. Nghe có vẻ ngớ ngẩn bề mặt logic nhưng cuối cùng cả gia đình von Trapp đã vượt qua dãy Alps đế đến Thụy Sĩ thành công. Do may mắn hay do cả gia đình von Trapp đều thấm nhuần binh pháp Tôn Tử: “Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”?

 

10) Jonah Hex: “Lỗi” tại hình xăm 

Sai lầm, phim, công chiếu

@Warner Bros. Pictures

Bộ phim Jonah Hex công chiếu năm 2010 kể về một tay săn tiền thưởng đầy táo bạo và bí ẩn cùng mối quan hệ với cô gái xinh đẹp Leila.  Vai Leila, một cô gái sống trong nhà chứa, do ngôi sao Megan Fox thủ vai. Cô nàng diện rất nhiều trang phục cực kỳ gợi cảm so với phụ nữ trong thời điểm đó. Dễ hiểu thôi, đây là chiêu mà nhà làm phim muốn câu kéo khán giả đến rạp. 

Tuy nhiên, trong một số phân đoạn nhạy cảm, chiếc váy hở trên hở dưới Leila mặc lại không thể che được hình xăm Brian là tên chồng cô ngoài đời -  nam diễn viên Brian Austin Green ở ngay vùng… bụng dưới.  Biết đổ lỗi tại nhà thiết kế phục trang hay tại… thằng xăm bây giờ? 

 

11) La La Land: Vết lõm khó hiểu trên ô tô

Sai lầm, phim, công chiếu

@Summit Entertainment

Phim nhạc kịch La La Land năm 2016, khiến người hâm mộ âm nhạc vô cùng thích thú với nhiều cảnh nhảy múa hoành tráng và bài hát cực chất. Trong đó, mở đầu phim có các diễn viên đã có màn nhảy múa ấn tượng sử dụng xe ô tô làm đạo cụ và tạo ra những hiệu ứng lớn. 

Nhưng nếu bạn theo dõi phim khá kỹ hay nói đúng hơn là… soi, bạn sẽ nhận thấy rằng một số chiếc xe đã bị lõm trên nắp xe cả trước khi dàn diễn viên bắt đầu thực hiện điệu nhảy của họ. Tất nhiên, điều này giúp cho các diễn viên nhảy nhót dễ dàng hơn và giảm thiểu nguy hiểm, tuy có điều chúng hơi lộ liễu quá.

 

12) Forrest Gump: Logo đi trước thời đại

Sai lầm, phim, công chiếu

Một trong những yếu tố khiến bộ phim Forrest Gump thành công rực rỡ chính là nhân vật chính do ngôi sao Tom Hanks đóng có tương tác với các sự kiện trong đời thực. Nhưng có một vài chi tiết lại chẳng có ý nghĩa gì. 

Một trong số đó là cảnh khi chàng Forrest Gump nhận được một bức thư từ Apple liên quan đến các chứng khoán mà Trung úy Dan quản lý giúp anh. Bạn có thể đã nhận thấy biểu tượng quả táo có màu cầu vồng đặc trưng của hãng Apple. Tuy nhiên, biểu tượng này đã không được tạo ra cho đến năm 1977, hai năm sau so với bối cảnh của phim. Nhưng sai sót này chẳng có gì nghiêm trọng nếu so với lỗi to đùng của một phim bom tấn nổi tiếng ngay dưới đây!

 

13) The Dark Knight Rises: Lỗi Typo to oạch

Sai lầm, phim, công chiếu

@Warner Bros. Pictures

Trong bom tấn The Dark Knight Rises của Christopher Nolan, người xem có thể nhận thấy một tiêu đề của bài báo trên tờ Gotham Times có nghĩa là: “Cảnh sát nghi ngờ ả trộm ‘Người mèo” trong vụ trộm viên kim cương”. Nhưng lại có một lỗi typo to đùng khi tựa đề viết nhầm chữ “hiest”, thay vì đúng ra phải là “heist”- vụ trộm. 

Lẽ ra, một bộ phim hoành tráng thế này cần có người kiểm lỗi chính tả kỹ càng hơn. Và có thể nói, đây chính là một trong những điều đáng tiếc khiến bộ phim không được thành công như mong đợi.

 

14) Gladiator: Võ sĩ giác đấu mặc trang phục thời trang  

Sai lầm, phim, công chiếu

@DreamWorks/Universal Pictures

Trong phim Gladiator, Võ sĩ giác đấu Maximus, được nhắc tới một vài lần là “Người Tây Ban Nha” (Spaniard). Nhưng bộ phim diễn ra vào năm 180 Trước Công Nguyên và thuật ngữ “Người Tây Ban Nha” này đã không được gọi mãi cho đến những năm 1300. 

Một lỗi trang phục khác nữa của bộ phim là khi ra đấu trường, Maximus mặc chiếc khố bằng vải lycra dưới bộ trang phục của mình, song chất liệu này đã không được phát minh ra vào năm 180 Sau Công Nguyên. Tuy nhiên bộ phim vẫn rất tuyệt và giành được đến 5 giải Oscar năm 2000, vì vậy tất cả lỗi lầm đều dễ dàng được thứ tha. 

 

15) Pirates of the Caribbean: Cao bồi lưu lạc ra biển 

Sai lầm, phim, công chiếu

@Walt Disney Studios

Series phim Pirates of the Caribbean đã quá nổi tiếng và thành công vang dội gắn liền với tên tuổi tài tử Johnny Depp. Tuy nhiên, trong phần phim Pirates of the Caribbean: The Curse of the Black Pearl năm 2003, ai tinh mắt sẽ nhận ra trong một cảnh quay, trên màn ảnh lại xuất hiện bóng dáng của một chàng… cao bồi với cái nón rất đặc trưng của miền viễn Tây ngay sau lưng chàng Jack Sparrow. Thậm chí anh ta còn mang kính râm nữa thì phải! Tất nhiên, không ai có thể giải thích nổi sự có mặt của một chàng cao bồi trong vùng biển Caribê thế kỷ 18, ngoài lời giải thích đây thực sự là một sai lầm ngớ ngẩn mà đoàn phim đã hoàn toàn không nhận ra cho đến khi phim được công chiếu.

 

Chưa hết đâu, các Thánh Soi nhà ta còn tìm ra rất nhiều chi tiết ngớ ngẩn khiến khán giả cười nghiêng ngả mà nhiều bộ phim bom tấn Hollywood đã vô tình hay ẩu tả mà bỏ qua ngay trong video clip dưới đây:

Sai thì sai nhưng dù gì chúng cũng mang đến những tiếng cười sảng khoái phải không các mem? Nếu bạn là “mọt phim” thì đừng quên like và share bài viết này cũng như theo dõi nhiều phát hiện thú vị hơn nữa trên LaLung.vn nha!

Bài viết liên quan: