Chế độ chiếm hữu nô lệ: những sự thật ít người biết
Chế độ nô lệ có từ trước khi chữ viết ra đời và tồn tại trong hầu hết mọi xã hội và nền văn minh. Nó bắt đầu khoảng 11.000 năm trước, vào giai đoạn thời đại đồ đá mới sau khi con người bắt đầu phát minh ra nông nghiệp. Theo nghĩa gốc của từ, chế độ nô lệ có thể được định nghĩa là một chế độ mà ở đó có những con người bị xem như là một món hàng, hoàn toàn phụ thuộc và phải chịu sự điều khiển của người chủ. Những người nô lệ bị buộc phải làm công không lương, không được tự do đi lại và gần như không có bất kỳ một quyền hạn gì ngoại trừ những nhu cầu tối thiếu như chỗ ở, quần áo, thức ăn. Những người này, họ chẳng khác gì một món đồ vật tùy tay người nhào nặn, tương lai hoàn toàn u tối, không lối thoát. Chủ nô lệ có thể đối xử với nô lệ của mình như một món đồ vật, dụng cụ và thậm chí là một con súc vật hoàn toàn công khai mà không phải gánh chịu điều tiếng từ xã hội. Một chế độ hết mức tàn nhẫn và đáng bị lên án!
Tuy nhiên, điều đáng buồn là không chỉ kéo dài mà thậm chí có giai đoạn, chế độ nô lệ còn trở nên phổ biến trong lịch sử nhân loại. Hàng triệu người đã bị tước bỏ mọi quyền lợi và cảm xúc của mình không khác gì một vật vô tri biết cử động. Hiện nay, mặc dù chế độ nô lệ đã được bãi bỏ chính thức nhờ phong trào bãi nô ở hầu hết các quốc gia trên thế giới nhưng thực chất là nó vẫn tiếp tục tồn tại thông qua nhiều hình thức trá hình như gán nợ, hôn nhân giả, nuôi nhốt người làm, nhận con nuôi để buộc những thành phần yếu thế trong xã hội như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi phải lao động như những người nô lệ. Dưới đây là một số sự thật ít người biết về chế độ nô lệ trong lịch sử và ở thời điểm hiện tại.
1) Anthony Johnson, một nông dân trồng thuốc lá là nô lệ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ
Sinh ra ở Angola, ngay từ nhỏ Johnson đã phải theo chân các thương gia Ả rập lao động kiếm sống. Sau đó, ông bị bán cho một người chủ và chuyển đến làm việc cho Công ty Virginia như là một người hầu gán nợ vào năm 1621. Tại đây, ông lại tiếp tục bị sang tay chủ, lần này là một người trồng cây thuốc lá trắng. Năm 1635, ông và vợ, bà Mary được trả tự do, cả hai được chính quyền cấp một mảnh đất nông nghiệp khá lớn. Năm 1651, ông nhận được 250 mẫu đất nhờ chính sách khuyến khích mang tên “hệ thống quyền đầu người – headright system”, cấp cho mỗi người đàn ông định cư Virginia và các thành viên trong gia đình bao gồm cả nô lệ họ có thể mang theo đến địa phương. Mỗi người như vậy theo quy định sẽ được cấp cho 50 mẫu đất.
Năm 1657, người hàng xóm da trắng của Johnson đưa một lá thư trong đó có ghi một món nợ mà ông phải trả thay cho người chủ cũ. Mù chữ, Johnson bị buộc phải bàn giao 100 mẫu đất cho ông ta. Mất đất, Johnson cùng gia đình chuyển đến định cư ở Somerset County, Maryland. Tại đây ông đã thuê một mẫu đất 300 mẫu và phát triển nó thành một trang trại thuốc lá làm ăn phát đạt.
2) Học thuyết tàn nhẫn Drapetomania
Vào những năm 1850, khi trốn thoát bất thành, người nô lệ sẽ bị coi là mắc bệnh rối loạn tâm thần. Căn cứ theo thuyết "drapetomania", những người này sẽ bị trừng phạt bằng cách nhai hoặc chặt đứt ngón chân cái để không còn chạy trốn được nữa.
Drapetomania là một thuyết được đưa ra vào năm 1851 bởi bác sĩ, nhà tâm lý học người Mỹ Samuel A. Cartwright. Trong một báo cáo gửi cho Hiệp hội Y khoa Louisiana, ông này mô tả những nô lệ da đen luôn có ý định bỏ trốn và từ chối thân phận nô lệ bị giam giữ hay giám sát của mình là những bệnh nhân tâm thần. Ông nói rằng đó là hậu quả của việc các chủ nô đã đối xử quá thân thiện với nô lệ khiến họ cảm thấy mình bình đẳng với những người khác.
Trong học thuyết này, Cartwright cho biết nếu cảm thấy các nô lệ có bất kỳ dấu hiệu nào của sự hờn dỗi và không hài lòng thì có thể là biểu hiện của chứng bệnh rối loạn thần kinh, thậm chí bị quỷ nhập. Theo đó, Cartwright đưa ra đề nghị và nói rằng các chủ nô cần có "biện pháp phòng ngừa" là loại bỏ các ngón chân cái của nô lệ cứng đầu để chúng không thể chạy được nữa. Kể từ khi được công bố, Drapetomania đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho rằng thuyết này quá đặt nặng vấn đề phân biệt chủng tộc.
Năm 1856, kiến trúc sư nổi tiếng Frederick Law Olmsted thậm chí còn đưa ra nhận xét châm biếm rằng Drapetomania không khác gì một trò lố bịch, chẳng những vậy nó còn “vẽ đường cho hươu chạy”, khuyến khích những người hầu da trắng bỏ trốn bởi khác với những nô lệ da trắng, họ không nằm trong diện bị trừng phạt cắt ngón chân.
3) Chế độ nô lệ chỉ tồn tại trong quá khứ
Đây là một quan niệm sai lầm nhưng lại rất phổ biến khi cho rằng chế độ nô lệ chỉ tồn tại trong quá khứ. Ngược lại, vào những năm 1940, những lao động nô lệ đã được điều động để sản xuất tên lửa đạn đạo V-2. Trong khi đó, người Ai Cập sử dụng lao động là những nô lệ để xây dựng nên kim tự tháp từ năm 2575 trước Công nguyên.
V-2 hoặc Vergeltungswaffe 2, hay "Retribution Weapon 2" theo cách gọi của người Đức là tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên trong lịch sử. Tên lửa V-2 cũng là vật thể nhân tạo đầu tiên đi vào không gian bằng cách vượt qua dãy Kármán nằm cách mực nước biển 100 km với mục tiêu khảo sát ranh giới giữa bầu khí quyển và không gian Trái Đất. Mặc dù là một dự án công nghệ hiện đại nhưng quá trình chế tạo cỗ máy này đã phải điều động hơn 12.000 nhân công nô lệ, chủ yếu là những người bị nhốt trong các trại tập trung, kể cả trại giam tử thần Auschwitz.
Ở một khía cạnh khác, lao động trả lương (mức lương tượng trưng) đã được sử dụng để xây dựng các kim tự tháp Ai Cập từ hơn 4.000 năm trước. Theo Zahi Hawass, một nhà khảo cổ Ai Cập nổi tiếng, hễ một công nhân chết trong quá trình xây dựng, họ sẽ được vinh dự chôn cất gần các kim tự tháp thiêng liêng của các Pharaoh. Theo ước tính, đã có khoảng 10.000 công nhân và phải mất hơn 30 năm để xây dựng hoàn thiện một kim tự tháp. Vào thời đó, mỗi ngày những nhân công làm việc trên các công trường xây dựng “ngôi mộ các Pharaoh” sẽ được cấp 21 con gia súc và 23 con cừu từ các trang trại để làm thức ăn.
4) Ấn Độ hiện là quốc gia có nhiều nô lệ nhất thế giới
Hiện tại, thế giới ghi nhận số lượng nô lệ nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong lịch sử nhân loại. Khoảng 27 triệu người bị coi là nô lệ trên toàn thế giới, dẫn đầu là ở Ấn Độ với 15 triệu nô lệ.
Nô lệ thời hiện đại bao gồm những nô lệ bị buộc phải tham gia vào ngành công nghiệp tình dục, nô lệ gán nợ, chế độ nông nô, người hầu trong gia đình buộc phải phục vụ chủ nhân trong tình trạng bị nuôi nhốt, lính trẻ em, một số nhận con nuôi buộc trẻ em phải làm nô lệ, mại dâm và tình trạng kết hôn giả hay hôn nhân cưỡng bức. Những hình thức trá hình này là bằng chứng cho thấy chế độ nộ lệ vẫn tồn tại, thậm chí khá phổ biến ở các quốc gia Hồi giáo như Irac và Levant.
Theo nhà hoạt động xã hội Kevin Bales, thuộc phong trào bãi nô, ước tính có khoảng 27 triệu người bị xem là nô lệ vào năm 1999. Trong một tính toán sơ bộ, Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết có 12,3 triệu lao động bị cưỡng bức trong năm 2005. Siddharth Kara, nhà hoạt động, chuyên gia về chế độ nô lệ và nạn buôn bán người đưa ra con số gây sốc dư luận là trong năm 2006, thế giới có 28,4 triệu nô lệ, trong đó 18,1 triệu người là nô lệ gán nợ, 7,6 triệu người lao động cưỡng bức và 2,7 người bị là nạn nhân của tệ nạn buôn người. Báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng chỉ ra rằng, năm 2003, thế giới có khoảng 15 triệu trẻ em đang sống trong nợ nần tại Ấn Độ, những đứa trẻ này đang làm việc cho gia đình nhà chủ để trả nợ những khoản nợ khổng lồ mà bố mẹ chúng để lại.
5) Nhạc Jazz ra đời từ đạo luật "Black Codes". Đây là một chính sách ban hành nhằm hạn chế quyền tự do mới của những nô lệ người Mỹ gốc Phi
Đạo luật "Black Codes" ban hành hạn chế nhiều quyền tự do của những nô lệ da đen mới được giải phóng, trong đó bao gồm cả việc đánh trống được xem là đỉnh điểm để dòng nhạc Jazz ra đời và nở rộ ở khắp nơi trên đất Mỹ. Trong bối cảnh đó, New Orleans là nơi tự do duy nhất. Mỗi dịp cuối tuần, hàng trăm nô lệ tụ tập về đây để buôn bán, hát, nhảy và chơi nhạc thỏa thích mà không sợ bị tóm gáy.
Jazz bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và là dòng nhạc có sự pha lẫn giữa âm nhạc dân gian châu Phi, ảnh hưởng văn hóa của Tây Phi hòa lẫn với nhạc cổ điển của Mỹ và Châu Âu. Cho đến giữa những năm 1800, người ta bắt đầu biết đến những lễ hội xa hoa được tổ chức định kỳ ở New Orleans tại Quảng trường Congo hoặc Congo Square với các điệu múa rộn ràng rất châu Phi với đạo cụ chính là trống.
Vào thời điểm đó, số lượng các nhạc sĩ da đen học chơi các nhạc cụ châu Âu như violon bắt đầu tăng mạnh. Kể từ khi "Black Codes" cấm các tay trống da đen, trào lưu đánh trống giảm mạnh ở Bắc Mỹ nhưng không ảnh hưởng đến những người da đen miền Nam Hoa Kỳ như Cuba, Haiti và Caribê, họ vẫn có thể tự do chơi nhạc. Việc bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1865 đã tạo cơ hội cho những người Mỹ gốc Phi tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực giải trí. Những phong trào phản đối đạo luật cấm đoán gia tăng đã khiến dòng nhạc Jazz nổ rộ và trở nên “đại chúng hóa” như chúng ta thấy ngày nay.
6) Hoạt động buôn bán nô lệ bắt nguồn từ các nước Ả rập
Nghề và các khu chợ buôn bán nô lệ ở Ả rập xuất hiện từ rất lâu, trước cả khi Hoa Kỳ bắt đầu biết đến chế độ này. Nó tồn tại 14 thế kỷ, dài hơn cả ở Châu Âu hoặc Đại Tây Dương.
Hoạt động buôn bán và trao đổi nô lệ của người Ả rập hay nô lệ Hồi giáo bắt đầu vào đầu thế kỷ thứ 7 và tiếp tục cho đến những năm 1960 dưới nhiều hình thức khác nhau. Do bộ luật Sharia không cho phép người Hồi giáo làm nô lệ nên vào thời điểm sơ khai, những người sống ở các khu vực biên giới thế giới Hồi giáo, Trung Á và châu Âu thường bị bắt làm nô lệ. Một vài thế kỷ sau đó, những người không thuộc các nước Hồi giáo, chủ yếu là người châu Phi trở thành lực lượng nô lệ chính cho các ông chủ là người Hồi giáo.
Theo ước tính của Olivier Pétré Grenouilleau, dựa trên nghiên cứu của chuyên gia Ralph Austen, tính đến thời điểm này đã có 17 triệu người da đen đã bị bắt bởi những người Ả Rập hành nghề buôn bán nô lệ. Trong một ước tính khác của Ronald Segal đã chỉ ra số nô lệ châu Phi bị bắt trở thành vật sở hữu của người khác là từ 11,5 đến 14 triệu.
7) Mỹ vẫn tiếp tục duy trì chế độ nô lệ ngay cả khi Đạo luật bãi bỏ chế độ nô lệ năm 1833 có hiệu lực
Một vài sự chiếm hữu nô lệ vẫn tiếp diễn trên đất Mỹ ngay cả khi Đạo luật bãi bỏ chế độ nô lệ năm 1833 được ban hành.
Trước khi hoạt động buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương bắt đầu, những người châu Âu đến định cư tại Mỹ đã bắt ít nhất từ 30.000 đến 53.000 người Mỹ da đỏ ở các thị trường nô lệ lớn như Virginia và South Carolina về làm nô lệ. Trong những năm 1800, khi các nô lệ châu Phi trở nên phổ biến hơn với sự bắt đầu của ngành thương mại nô lệ ở Đại Tây Dương, người Mỹ da đỏ đã bị buộc phải rời khỏi vùng đất của họ. Một ví dụ nổi tiếng cho sự kiện này cuộc hành trình gian khổ và thấm đẫm nước mắt “Trail of Tears” của bộ lạc Cherokee và các bộ lạc thổ dân Mỹ khác phải di chuyển về phía tây đến Oklahoma ngày nay.
Để sinh tồn trước dòng chảy văn minh của thời đại mới, một số bộ lạc, đặc biệt là các bộ lạc Cherokee, Choctaw, Chickasaw, Creek và Seminole, còn được gọi là "Five Civilized Tribes" đã có những nỗ lực đáng kể để hòa nhập vào xã hội châu Âu thông qua việc học chữ viết phương tây, chuyển đổi sang Cơ đốc giáo và thậm chí là phải trở thành chủ nô để tránh bị đào thải cho đến khi Nội chiến kết thúc. Tuy vậy, trong khi các bộ lạc khác đã xóa bỏ chế độ nô lệ thì vẫn còn hai trong số các bộ lạc này là Chickasaw và Choctaw vẫn tiếp tục duy trì chế độ chiếm hữu nô lệ cho đến năm 1866.
8) Brasil là quốc gia nhập khẩu nhiều nô lệ da đen nhất
Trước thời điểm chế độ nô lệ bị bãi bỏ ở Brasil, đã có khoảng 4,9 triệu nô lệ Châu Phi được đưa đến Brasil. Hiện nay, bên cạnh Nigeria thì Brasil là quốc gia có số người có nguồn gốc là nô lệ da đen nhiều nhất thế giới.
Trong thời kỳ thương mại nô lệ nở rộ ở Đại Tây Dương, số nô lệ da đen được đưa đến Brasil nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, trong giai đoạn từ năm 1501 đến năm 1866, Brasil đã nhập khẩu ít nhất 4.9 triệu nô lệ châu Phi.
9) Vào giữa thế kỷ 16 và 18, hơn một triệu người da trắng đã bị bắt làm nô lệ
Sau khi bị bắt bởi những tên cướp biển hoạt động ở vùng biển Bắc Phi, những nô lệ da trắng đến từ châu Âu sẽ bị bán sang đế quốc Ottoman.
Trong thời kỳ hưng tịnh của Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), nổi lên có nạn cướp biển và buôn người không thể kiểm soát. Những tên hải tặc buôn người khét tiếng trong thời điểm này được gọi là "Barbary Pirates", chủ yếu hoạt động mạnh ở vùng biển Bắc Phi và các thương cảng nhộn nhịp như Rabat, Algiers, Tunis và Tripoli. Sự tàn ác và vô lương tâm của chúng khiến nhiều đoàn thương buôn đi qua vùng biển này không ngày nào “ăn ngon ngủ yên” suốt một thời gian dài.
Nguồn nô lệ chủ yếu của những tên hải tặc này là tấn công bất ngờ các tàu buôn hoặc đột kích vào những thị trấn ven biển của châu Âu từ Ý đến Hà Lan, thậm chí chúng còn đem quân tấn công các khu vực phía bắc như Iceland và phía đông vào Địa Trung Hải. Mục đích chính của những tên cướp này là bắt những nô lệ Kitô giáo để cung cấp nguồn hàng cho các chợ buôn bán nô lệ ở Ottoman và cho cả nhu cầu nô lệ của các nước Hồi giáo nói chung ở Bắc Phi và Trung Đông.
Theo thống kê của giáo sư Robert Davis, chuyên gia đến từ Đại học Ohio (Mỹ), ước tính trong giai đoạn này đã có khoảng từ 1 triệu đến 1.25 triệu người da trắng theo đạo đã bị các thương nhân Bắc Phi nô dịch.
10) Những đoạn âm thanh ghi lại cuộc đời thống khổ của hàng nghìn nô lệ
Trong những năm 1930, khoảng 26 cuộc trò chuyện ghi âm đã được thực hiện. Những nhân vật xuất hiện trong cuộc phỏng vấn này đều là những cuộc đời thống khổ, họ là những nô lệ bị nô dịch trong những năm trước khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ.
Giữa những năm 1936 và 1938, hơn 2.300 cựu nô lệ đã được phỏng vấn bởi các nhà văn và nhà báo đến từ Cục Quản lý Công trình Chính phủ Mỹ (WPA). Nhiều người trong số họ được sinh ra vào những năm cuối của chế độ nô lệ hoặc trong thời Nội chiến. Câu chuyện về cuộc đời họ chính là minh chứng sống cung cấp những thông tin khách quan nhất về chế độ nô lệ - vốn vẫn được xem là một giai đoạn đen tối trong lịch sử Mỹ.
Trong số đó, 26 cuộc ghi âm đã được thực hiện bởi Trung tâm Văn hóa Dân gian quốc gia ngay tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Một trong số những người được phỏng vấn ngày hôm đó là Fountain Hughes, cháu nội của Wormley Hughes và Ursula Hughes. Trước khi qua đời, Wormley Hughes và gia đình ông là những nô lệ thuộc quyền sở hữu của cựu Tổng thống Thomas Jefferson.
Chế độ chiếm hữu nô lệ là nỗi kinh hoàng trong lịch sử, tuy nhiên vẫn có một đất nước có chế độ nô lệ giữa thời hiện đại:
Chiếm hữu nô lệ là giai đoạn đen tối trong lịch sử. Hãy chia sẻ bài viết này đến mọi người và đừng quên để lại bình luận.
Bài viết liên quan: