Những sáng chế tưởng vô dụng nhưng lại biến nhà phát minh thành tỷ phú
Có hàng trăm, hàng nghìn phát minh được con người tạo ra mỗi năm. Bên cạnh những phát minh hữu ích, được các doanh nghiệp đua nhau mua về phát triển thì một số thứ trong này lại không khác gì một sự thất bại hoàn toàn. Chúng được tạo ra chẳng để làm gì, không hề có tác dụng nào và thậm chí còn quá là ngớ ngẩn để trở thành sự thật.
Thế nhưng ngạc nhiên thay, đôi khi những thứ bị coi là vô ích ấy lại vô tình đáp ứng được nhu cầu của nhiều người, trở thành một sản phẩm thành công đáng kinh ngạc với doanh số khó tin và giúp chủ nhân của nó thu về bộn tiền. Mời các bạn đến với danh sách 10 những sáng chế tưởng như vô dụng dụng nhưng lại biến nhà phát minh thành tỷ phú ngay sau đây.
1) Trở thành tỷ phú nhờ bán đất trên Mặt Trăng
Một người đàn ông Mỹ tên Dennis Hope đã nộp đơn yêu cầu quyền sở hữu Mặt trăng vào những năm 1980 sau khi phát hiện kẽ hở trong Hiệp ước Không gian được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 196. Biến ý tưởng điên rồ này thành sự thật, hiện tại ông đã bỏ túi được hơn 9 triệu USD (hơn 200 tỷ đồng) từ việc bán đất trên Mặt Trăng.
Bạn không nhầm đâu? Sự thật là đất đai trên Mặt Trăng đang được rao bán hà rầm bên ngoài và ngộ cái nữa là nó còn đắt hàng nữa mới ác. Hình bên trái chính là Denis Hope, một cư dân Mỹ, người được xem là đã hiện thực hóa câu nói “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” của nhà thơ Hàn Mặc Tử mà chúng ta vẫn thường nghe nói đến.
Chuyện bắt đầu vào một đêm sáng trăng, khi đang thơ thẩn ngắm nhìn ánh trăng đêm rằm tròn vành ngoài cửa sổ, Hope bỗng nghĩ đến việc bán đất trên ấy để đổi đời. Điên khùng nhưng chắc là chưa có ai nghĩ giống mình đâu. Nghĩ là làm, ông bắt đầu nghiên cứu và phát hiện một sơ hở trong Hiệp ước Không gian Mỹ đó là chỉ cấm quyền sở hữu của các tổ chức, quốc gia chứ không hề đả động gì đến cá nhân. Mừng như bắt được vàng, vào đầu những năm 1980, Denis Hope nộp ngay đơn đến Liên Hiệp Quốc đề nghị cấp cho mình quyền sở hữu và suy tính kế hoạch kinh doanh đất trên Mặt Trăng như việc mình sẽ chia lô bán thửa chúng như thế nào. Tất nhiên là chẳng có ai đồng ý với lời đề nghị kỳ quặc này cả nhưng cũng không thể cấm vì không có luật.
Chờ mãi không thấy phản hồi, Hope tự tuyên bố rằng Mặt Trăng là sở hữu của mình và bắt đầu thực hiện kế hoạch kinh doanh đất của chị Hằng một cách rất tỉnh và đẹp trai. Mỗi mẫu đất diện tích khoảng 4000 m2 được chia ra, bán đến tay khách mua với giá 19,95 USD (khoảng 500 nghìn đồng). Kể từ đó, Hope đã bán được hàng trăm triệu hecta thu về cả tỷ đô la lợi nhuận. Ông thậm chí còn bán thành công vài lô đất Mặt Trăng cho ba cựu Tổng thống Mỹ là George H.W. Bush, Jimmy Carter và Ronald Reagan.
Ngoài Mặt Trăng, Denis Hope còn khẳng định luôn quyền sở hữu với các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời bao gồm sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, mặt trăng của sao Mộc. Đặc biệt với Pluto, Hope hiện đang đưa ra mức giá siêu mềm cho những khách hàng muốn mua trọn gói ngôi sao này với mức giá là 250.000 USD (tương đương 5,6 tỷ đồng). Đó là những gì chúng tớ nghe ngóng được từ Denis Hope. Còn bạn, bạn nghĩ sao về Hope và có dám bỏ tiền ra mua đất vũ trụ từ người đàn ông này không?
2) Kiếm bộn tiền nhờ dịch vụ gửi thông điệp trên khoai tây
Alex Craig, 24 tuổi, người sáng lập ra trang web Potato Parcel cho biết anh đã kiếm được 10.000 USD/tháng bằng cách gửi tin nhắn viết trên khoai tây đến người nhận theo hình thức ẩn danh.
Nếu bạn đang muốn gửi đến ai đó một thông điệp trái tim hoặc dằn mặt kẻ quá trớn thì dịch vụ thay lời muốn nói của Alex Craig là một phương án có thể khiến người nhận phải ngạc nhiên không nói nên lời. Giúp khách hàng truyền đi những thông điệp trên một củ khoai tây có thể là một ý tưởng kinh doanh điên rồ với nhiều người nhưng với thanh niên 24 tuổi này thì đây chính là cách giúp anh ta trở thành tỷ phú.
Ý tưởng kinh doanh độc đáo này được Craig nghĩ ra khi đang ăn trưa với bạn gái. Người ấy của anh nói rằng Craig sẽ chẳng đời nào bán được khoai theo cách riêng lẻ như vậy. Đàn ông mà, ai đã đụng đến lòng tự tôn là tức lắm, nhất là khi đó lại là người ấy nữa. Quyết chí làm cho bạn gái sáng mắt, tháng 5 năm 2015, thanh niên này bắt đầu khởi động kế hoạch lập nghiệp có một không hai của mình. Thật bất ngờ, chỉ trong vòng hai ngày đăng tải, mẫu tin quảng cáo của Craig đã nhận được vô số tin nhắn đặt hàng giúp anh thu về 2.000 USD (khoảng 45 triệu đồng) tiền lãi.
Hiện tại, với trang web Potato Parcel chuyên gửi tin nhắn bằng khoai tây đến khắp nước Mỹ, thu nhập bình hàng tháng của Craig đã lên tới 10.000 USD (khoảng 225 triệu đồng). Thật quá sức tưởng tượng cho một ý tưởng không thể xàm xí hơn phải hơm mấy chế.
3) Đổi đời nhờ bán thú nuôi bằng đá - Pet Rock
Giai đoạn giữa những năm 70, Pet Rock trở thành một hiện tượng văn hóa đáng kinh ngạc của nước Mỹ. Rất nhiều người đã bỏ tiền ra mua một hòn đá được đặt trong một chiếc hộp bên trong có lót rơm và những lỗ nhỏ được xem là để cho “thú cưng” cảm thấy dễ chịu. Chủ nhân của phát minh kỳ dị nhưng thành công bất ngờ này chính là bậc thầy quảng cáo Gary Dahl.
Vào giữa những năm 70, khi đang uống rượu với hội bạn và nghe được những lời than phiền về phiền phức khi nuôi thú cưng, Gary Dahl lúc đó đã ngà ngà say bất ngờ tuyên bố, thú cưng của mình không bao giờ khiến ông phải bận tâm về những điều trên. Khi mọi người thắc mắc hỏi xem thú cưng ông nói là con gì thì Dahl đáp gọn lỏn: “Tôi đang nuôi một con thú cưng đá”. Pet Rock ra đời từ cái đêm hôm ấy.
Những lời nói tưởng như bông đùa ngày hôm đó hóa ra là một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời. Sau khi trổ hết vốn ăn nói để thuyết phục hai người bạn đồng nghiệp rót vốn đầu tư, Dahl đã đi đến một cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng và mua những hòn đá tròn nhẵn lấy từ bãi biển Mexico với giá 1 xu. Tiếp đến, ông đặt từng hòn đá vào một chiếc hộp các tông có lót rơm và những lỗ thoát khí. Mỗi sản phẩm như vậy được bán ra có kèm theo tờ hướng dãn sử dụng khá bài bản về cách chăm sóc, cho ăn và huấn luyện Pet Rock như thế nào.
Vào dịp Giáng sinh năm 1975, Pet Rock đã trở thành một cơn sốt. Nhà nhà người người thi nhau mua cho bằng được một “bé đá” Pet Rock với mức giá 3,95 USD (khoảng 90 nghìn đồng) về chơi cho bằng thiên hạ. Chỉ trong vòng sáu tháng, Dahl nghiễm nhiên trở thành một triệu phú, đổi xe, đổi nhà và đổi luôn cuộc đời từ ý tưởng kỳ quặc của mình.
4) Giàu to nhờ ý tưởng bán kính Doggles
Doggles – kính râm dành cho chó là một phát minh của một cặp đôi dựa trên ý tưởng sản xuất kính những chú đặc khuyển trong quân đội. Sau một thời gian ngắn, họ đã biến ý tưởng này trở thành một ngành công nghiệp triệu đô với doanh số luôn nằm trong top đầu các cửa hàng trên toàn cầu.
Vào năm 1997, Roni và Ken Di Lullo, cặp đôi người Mỹ sống ở bang California dẫn Midknight, một chú chó giống Collie biên giới đi dạo trong công viên San Jose. Trong quá trình này, họ nhận thấy chó cưng của mình gặp rắc rối khi nhảy lên bắt đĩa vì chói nắng. Sau khi về nhà, họ đã tự chế cho thú cưng của mình một chiếc kính thể thao màu da cam và kính Doggles ra đời cũng từ đây.
Nhìn thấy Midknight đeo kính mát, những người hàng xóm của họ tỏ ra rất thích thú và cũng muốn sắm một cái cho chú chó của mình. Người này truyền người nọ, doanh thu ngày một tăng, cuối cùng hai người đã thành lập một công ty chuyên bán kính râm cho chó. Vào năm 2002, họ nhận được đơn đặt hàng đến 30.000 chiếc Doggles từ một công ty Đài Loan và sau đó ký hợp đồng với chuỗi bán lẻ chuyên cung cấp vật dụng cho vật nuôi PetSmart để đưa sản phẩm này đến với nhiều nơi trên thế giới với giá bán lẻ là 19.90 USD (khoảng 450 nghìn đồng). Với công ty của mình, hiện doanh thu của Doggles giờ đây đã lên tới hơn 3 triệu USD (tương đương 68 tỷ đồng).
5) Bán điểm ảnh website và trở thành triệu phú chỉ sau 4 tháng
Để trang trải tiền học phí khi quyết định theo học khóa học Quản trị Kinh doanh tại trường đại học, Alex Tew đã quyết định bán các điểm ảnh của một trang web với giá 1 USD (khoảng 22,5 nghìn đồng) cho mỗi pixel. Chỉ sau một thời gian ngắn, ý tưởng kinh doanh này trở thành một hiện tượng và Tew – chủ nhân của nó nghiễm nhiên bước vào thế giới của những người giàu có.
Năm 2005, để kiếm tiền trang trải học phí cho khóa học 3 năm tại trường đại học Nottingham mà không phải vướng vào các khoản nợ sinh viên, chàng sinh viên 21 tuổi, Alex Tew đã có một ý tưởng kinh doanh táo bạo chưa từng có ai nghĩ đến khi chỉ còn cách ngày khai giảng đúng một tháng.
Sau một đêm vắt tay lên trán suy nghĩ với những dòng ghi chép dày đặc trong cuốn sổ tay, trong đó có câu: “Làm cách nào tôi có thể trở thành triệu phú” được khoanh đỏ, Tew quyết định tạo một trang web và rao bán điểm ảnh trên đó cho các nhà quảng cáo với giá 1 USD cho một pixel.
Hai ngày sau, Tew mua một tên miền và một dịch vụ lưu trữ web với giá 100 USD (2,2 triệu đồng) và bắt đầu khởi động trang web của mình ở địa chỉ MillionDollarHomepage.com. Bởi một điểm ảnh là quá nhỏ để nhìn thấy nên chúng được bán dưới dạng những khối 10x10 với giá 100 USD. Thời gian đầu, ý tưởng khởi nghiệp này lan truyền rất chậm, dần dần khi có chút tên tuổi, trang web của Tew bắt đầu được các doanh nghiệp chú ý đến. Họ nhấp vào và trong vòng vài tuần, chàng sinh viên đã kiếm được đủ tiền cho cả 3 năm theo học tại trường đại học của mình.
Năm 2006, 1.000 điểm ảnh cuối cùng của trang web đã được đưa ra đấu giá trên eBay với mức giá chiến thắng là 38.100 USD (khoảng 860 triệu đồng) đưa tổng thu nhập của trang web lên đến hơn 1 triệu USD (tương đương 22,5 tỷ đồng) chỉ sau 4 tháng.
6) Kinh doanh nước uống có oxy
Kinh doanh nước có oxygen là ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận tỷ đô đã và đang bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, trong thực tế, những loại thứ uống này lại không hề giúp bổ sung oxy như lời quảng cáo bởi lẽ cơ thể con người chỉ có thể hấp thụ oxy qua đường hô hấp mà thôi.
Những năm gần đây, công nghệ nước uống không ngừng phát triển đã cho ra đời nhiều loại nước uống đặc biệt khác lạ. Và nước uống có bổ sung thêm oxy chính là trong những thứ nước rất được giới trẻ ưa chuộng hiện nay. Để sản phẩm của mình bán chạy hơn, các nhà sản xuất để không tiếc dành tặng những lời hoa mỹ cho loại nước này, tỉ như uống vào có thể tăng thành tích thi đấu… Thế nên, nó lập tức trở thành lựa chọn hàng đầu của các vận động viên. Có đúng như vậy không? Chuyện này còn phải nhờ các chuyên gia dinh dưỡng phân tích cái đã.
Mặc dù các công ty sản xuất nước bổ sung oxy một mực tuyên bố rằng sản phẩm của họ có thể giúp những người chơi thể thao cải thiện thành tích song thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Theo các bác sĩ, đúng là uống nước sẽ cung cấp oxy cho các tế bào nhưng tuyệt nhiên việc này, tức hấp thụ nước qua đường tiêu hóa lại chẳng hề bổ sung chút xíu oxy cho cơ thể cả. Tại sao ư? Đơn giản là vì con người làm quái gì có phổi trong dạ dày cơ chứ.
Khoa học cho biết, con người chỉ có thể hấp thụ oxy thông qua hô hấp, nơi không khí từ mũi qua khí quản rồi chui vào phổi mà thôi. Rõ ràng là con người chưa đạt đến cấp tiến hóa để có thêm phổi trong bụng nên chúng ta sẽ chẳng thể nào hấp thụ các phân tử oxy dù cho có nỗ lực uống hàng nghìn chai nước bổ sung oxygen đi chăng nữa. Bạn sẽ tin điều này nhanh thôi bởi nếu không thì chúng ta làm gì còn ngồi ở đây, đọc cái bài viết này sau khi đã nốc hàng đống lon nước ngọt có ga chứ hả. Chúng chứa đầy carbon dioxide đấy.
7) Bán sự thỏa mãn cho những tò mò
Có một trang web mà khi đồng ý trả 1 USD bạn sẽ biết được có bao nhiều người cũng làm giống như mình. Ý tưởng kinh doanh ngớ ngẩn này thành công đến nổi ngay cả Paypal cũng đặt câu hỏi về sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh của nó.
Bạn cần làm gì để kiếm được thật nhiều tiền? Với câu hỏi này, phần lớn người sẽ cho rằng nếu không có nguồn vốn cần thiết để tạo dựng một công ty riêng thì bạn cần phải có kỹ năng tốt để gặt được một công việc có cơ hội thăng tiến. Nhưng với Johan McCubbin thì không hẳn như vậy.
Khác với nhiều người, ông cho biết để trả lời câu hỏi này chỉ có duy nhất một đáp áp đó là: đưa ra một câu hỏi khác. Nghĩ vậy, người đàn ông này đã tạo ra một trang web, trên đó có một câu hỏi khơi gợi sự tò mò của người xem. Câu hỏi mà McCubbin hỏi đơn giản vậy thôi: "Có bao nhiêu người trả một đô la để xem có bao nhiêu người trả tiền giống vậy?" Thật là ngớ ngẩn nhưng đáng ngạc nhiên thay là mọi người thực sự đã bắt đầu dốc túi ra chỉ để biết ngoài mình còn có bao nhiêu người nữa đồng ý khác trả tiền cho câu hỏi này.
8) Tiền tiêu không hết với ý tưởng sản xuất chạc xương đòn gà Tây bằng nhựa
Nắm bắt nhu cầu cần xương đòn của gà Tây để cầu nguyện trong dịp Lễ Tạ ơn, một người đàn ông đã tạo ra Lucky Break - công ty sản xuất sản phẩm chạc xương đòn gà Tây bằng nhựa với doanh thu hàng năm ước tính lên tới hàng triệu USD.
Lễ Tạ ơn là một dịp lễ lớn trong năm ở các nước phương Tây. Mỗi khi đến ngày này, các gia đình thường hay sử dụng xương đòn gà để cầu nguyện trước bữa ăn. Chính vì một chiếc xương chỉ dùng được cho hai người nên những gia đình đông thành viên buộc phải giết thịt nhiều con gà để có đủ số xương cần thiết. Mà bạn biết đấy, việc thịt quá nhiều gà chỉ để lấy ra một mẫu xương be bé nó thật sự là quá tốn kém và không cần thiết. Đó là còn chưa kể đến hàng triệu người ăn chay trên khắp đất Mỹ - những người sẽ không bao giờ ủng hộ việc giết hoặc ăn thịt động vật chứ đừng nói chi đến việc chấm dứt mạng sống của cả một con gà để rút ra một mẫu xương bé tẹo.
Nắm bắt nhu cầu này của nhiều người, Ken Ahroni đã nảy ra ra một ý tưởng đó là thay vì một chiếc xương thật thì tại sao không tạo ra một sản phẩm thay thế bằng nhựa? Sau khi thử nghiệm trên nhiều loại chất dẻo khác nhau, ông đã tìm ra công thức để có thể sản xuất ra một chiếc xương đòn giống hệt hàng gốc. Ahroni thành lập công ty sản xuất chạc xương đòn gà tây Lucky Break vào năm 2004. Trong vòng hai năm, sản phẩm của ông đã được bán tại hơn 1.000 cửa hiệu trên khắp 40 bang nước Mỹ với hơn 30.000 chiếc chạc xương đòn bán ra mỗi ngày, biến chủ nhân của nó trở thành triệu phú với khối tài sản tiêu cả đời không hết.
9) Thu hàng tỷ USD mỗi năm với ý tưởng kinh doanh thú nhồi bông nhồi hạt nhựa
Bộ sưu tập thú nhồi bông nhồi hạt nhựa Beanie Babies, hiện tượng trên thị trường đồ chơi vào những năm 90. Vào thời điểm đó, sản phẩm này của công ty của Ty Warner chiếm đến 10% lưu lượng truy cập của eBay và đem lại cho người sáng tạo ra nó khối tài sản trị giá hơn 2,4 tỷ USD (khoảng 54 nghìn tỷ đồng).
Vào cuối những năm 1970, Ty Warner bỏ dở việc học đại học và bắt đầu loay hoay kiếm sống bằng nghề đồ chơi cho công ty Dakin, một công ty bán đồ chơi cao cấp mà bố ông đang làm việc. Sau khi bị sa thải, Warner quyết định đi sang Ý để tìm kiếm ý tưởng và quay về thành lập một công ty đồ chơi của riêng mình, Ty Warner Inc., về sau đổi tên thành Ty Inc.
Khác với những sản phẩm thú nhồi bông khác trên thị trường, những con thú Beanie Babies của Ty được nhồi bằng hạt nhựa hoặc hạt đỗ giúp chúng trông giống như thật vì có thể “chuyển động”. Dù vậy, doanh số bán hàng lúc đầu vẫn có phần dậm chân tại chỗ.
Năm 1995, để kích thích nhu cầu mua sắm và sự thèm muốn sưu tập đủ bộ sưu tập Beanie Babies, lợi dụng sản phẩm thú hình vịt Lovie bị ngưng do một vấn đề ở khâu sản xuất, Warner tuyên bố sẽ “cho nghỉ hưu” Lovie, cho ra mắt một số sản phẩm mới đồng thời đặt giới hạn số hàng nhập trong tháng cho các cửa hàng bán lẻ. Ngay khi thông tin Warner sẽ ngưng sản xuất một số mẫu đồ chơi được tung ra, người hâm mộ Beanie Baby trên khắp đất nước bàng hoàng. Họ đổ xô đến các cửa hiệu để mua nhanh cho kịp những món mình chưa có trong bộ sưu tập, thậm chí nhiều người còn sẵn sàng trả tiền cao hơn giá gốc để sở hữu cho được món đồ chơi mình mong muốn. Chỉ trong vòng vài tháng, nhu cầu thị trường bất ngờ được đẩy lên, giá trị thị trường của những món đồ chơi khan hiếm như Lovies tăng cao gấp trăm lần lúc trước.
Năm 1998, doanh thu của Ty đạt hơn 1,3 tỷ USD (khoảng 29 nghìn tỷ đồng) và thu nhập trước thuế của Warner lên tới con số trên 700 triệu USD (khoảng 16 nghìn tỷ đồng). Một con số quá lớn cho một ý tưởng kinh doanh thú nhồi bông.
10) Dưa hấu vuông
Từ ý tưởng tạo ra một giống dưa hấu có hình dạng vừa vặn để dễ bảo quản trong tủ lạnh, người nông dân Nhật Bản đã tạo ra dưa hấu vuông. Ngày nay, người tiêu dùng phải trả hàng ngàn đô la chỉ để có một dưa hấu vuông thay vì dưa hấu tròn truyền thống.
Dưa hấu to tròn thường chiếm khá nhiều không gian khi bảo quản trong tủ lạnh, chưa kể còn dễ bị lăn lóc trên những kệ tủ. Đó là một vấn đề lớn với người tiêu dùng Nhật Bản, những người vốn ưa chuộng sử dụng loại tủ lạnh nhỏ gọn. Để giải quyết tình trạng này, những người nông dân bắt đầu nghĩ cách làm thế nào để trồng ra được quả dưa hấu hình vuông. Họ đặt những chiếc khuôn kính hình vuông có kích thước vừa vặn với tủ lạnh của người Nhật, lồng chúng bên ngoài những quả dưa trong khi chúng vẫn đang phát triển.
Công đoạn trồng và chăm sóc bài bản hơn nên giá bán dưa hấu hình vuông Nhật Bản vì thế cũng đắt đỏ hơn dưa hấu thường. Khi xuất ra thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, những quả dưa hấu vuông lập tức được người dùng quan tâm. Họ sẵn sàng trả đến 700 - 800 USD (khoảng 16-18 triệu đồng) cho một quả dưa tiện ích và lạ mắt này.
Nhu cầu dưa hấu vuông tăng cao tại nhiều quốc gia khiến những người nông dân tiếp tục cho ra mắt thêm những loại dưa lạ hơn như hình trái tim, hình kim tự tháp cùng nhiều dáng dưa độc đáo khác. Tất nhiên, những quả dưa đặc biệt này luôn có giá cao gấp ngàn lần so với dưa hấu tự nhiên. Độc lạ có thừa nhưng khi xét về hương vị thì dưa hấu tròn vẫn là loại dưa được đánh giá cao nhất.
Trên đây là những ý tưởng tưởng như ngớ ngẩn đến mức không ai nghĩ chúng có thể thành công nhưng sự thật đã chứng minh điều ngược lại. Những nhà phát minh ra chúng đều trở thành người giàu có với khối tài sản lên đến hàng triệu đô. Thật bất ngờ phải không nào? Nhưng có là chuyện của nước ngoài. Liệu Việt Nam mình có chế nào đang ấp ủ sáng kiến đủ lạ để tự tin rằng nó hiện là duy nhất trên thị trường không? Nếu có thì đừng quên lượn ngay lên trang LaLung.vn và inbox nhẹ cho chúng tôi nhé.
Có những ý tưởng điên rồ nhưng lại mang về cho người sáng chế cả núi tiền:
Quá ngạc nhiên phải không? Chia sẻ bài viết này ngay và nếu bạn có ý tưởng gì thì triển khai ngay nhé, biết đâu giàu có sẽ ập đến.
Bài viết liên quan: