Những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử

Ngày 21/10/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Kể từ khi con người mọi bắt đầu phát minh và sử dụng tiền, thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp lừa đảo và gian lận tài chính. Từ những vụ lừa đảo thành công, có thể nhận thấy phần lớn những kẻ lừa đảo bịp bợm đều là chuyên gia trong lĩnh vực đánh cắp lòng tin và sự tín nhiệm của người khác. Sau phi vụ triệu đô, nhiều người trong số này đã vươn lên nắm giữ nhiều chức vị quan trọng, trở thành người hùng trong mắt nhiều người để rồi sau đó phải nhận lấy cái kết đắng, thậm chí còn phải mất cả mạng sống để trả giá cho hành vi xấu xa và những thiệt hại mà mình gây ra.

Trong bài viết này, LaLung.vn sẽ đưa bạn đến với 10 vụ lừa đảo “vĩ đại” nhất thế giới từ xưa đến nay. Đây đều là những vụ bê bối để lại hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử, thậm chí một vài vụ trong số đó còn khiến nền kinh tế toàn cầu thoái trào trong một thời gian dài, gây thiệt hại hàng tỷ đô cho các nhà đầu tư.

 

1) Michael De Guzman và vụ lừa bịp táo bạo nhất lịch sử ngành khai thác mỏ hiện đại=

Năm 1996, công ty khai thác mỏ nổi tiếng ở Canada, Bre-X đã làm cả thế giới rúng động với công bố phát hiện thấy mỏ vàng lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Thông tin này ngay lập tức khiến giá cổ phiếu Bre-X tăng chóng mặt lên mức 280 USD/cổ phiếu (khoảng 6,3 triệu đồng), nâng giá trị doanh nghiệp trên thị trường lên con số 4 tỷ USD (tương đương 90 nghìn tỷ đồng). Nhưng trong thực tế, đó chỉ là một vụ gian lận của một kỹ sư địa chất, người đã trộn vàng vào các mẫu lõi khoan để đánh lừa mọi người.

 

@www.911metallurgist.com

Vào cuối những năm 1990, tin rằng khu vực gần sông Busang ở Indonesia là nơi chứa một lượng lớn vàng thô nên David Walsh, người sáng lập công ty Bre-X Minerals Ltd đã nghe theo lời khuyên của nhà địa chất học John Felderhof gom hết đất ở đây để tiện cho việc khai khoáng. Michael De Guzman, kỹ sư địa chất cao cấp người Philippines là người được giao chủ quản dự án khai thác vàng lần này.

Khi các mẫu khoan tìm vàng được ra đưa quá ít so với kỳ vọng, vị kỹ sư này đã đồng ý tiếp tay cho vụ gian lận khai thác mỏ lớn nhất trong lịch sử hiện đại bằng cách lấy vàng từ chính hôn lễ mình trộn vào các mẫu thử và tuyên bố Bre-X đã tìm thấy mỏ vàng với sản lượng ước tính lên tới 62 tấn.

Tin tức về mỏ vàng khổng lồ của Bre-X lập tức lan rộng như một vụ cháy rừng. Nhà đứng đầu Bre-X tuyên bố đó sẽ là mỏ vàng lớn nhất từng được phát hiện. Nhận thấy đây là một cơ hội làm giàu không thể ngon ăn hơn, nhiều nhà đầu tư đổ xô tranh nhau nhảy vào khiến giá cổ phiếu của Bre-X tăng chóng mặt, từ 4 xu lên tới 280 USD/cổ phiếu mà không hề mình đang trở thành những nạn nhân của trò lừa đảo thế kỷ.

Lại quay về với Michael De Guzman, người được xem là thủ phạm gây ra vụ gian lận nói trên vẫn bình yên và tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, vận may có vẻ như đã chấm dứt với vị kỹ sư địa chất mưu mẹo. Đầu năm 1997, mức độ giàu có của mỏ vàng này bắt đầu bị nghi ngờ, chính phủ Indonesia vào cuộc điều tra. Tháng 3/1997, dưới áp lực dư luận, De Guzman nhảy từ máy bay xuống đất tự tử kết thúc cuộc đời bịp bợp đồng thời cũng kéo luôn danh tiếng lẫy lừng của công ty Bre-X xuống đáy vực.

Vụ gian lận bị lật tẩy, một công ty Mỹ tuyên bố mẫu thử tại Busang chỉ chứa một lượng vàng không đáng kể, chính phủ Indonesia hoãn việc ký hợp đồng khai thác, Bre-X đứng trước bờ vực phá sản. Ngày 26/3/1997, giá cổ phiếu công ty giảm mạnh, hàng ngàn nhà đầu tư mắt trắng cả tỷ USD chỉ sau một đêm. Đến ngày 5/11/1997, cổ phiếu Bre-X bị gỡ bỏ trên thị trường chứng khoán và công ty khai thác mỏ này chính thức bị phá sản.

 

2) Vụ gian lận sổ sách kế toán chấn động nước Mỹ của tập đoàn Enron

Thành lập năm 1985, Enron nổi tiếng là một tập đoàn nắm giữ vị trí top 1 trong ngành năng lượng của Hoa Kỳ. Năm 2000, tập đoàn này công bố mức doanh thu 101 tỷ USD (tương đương 2,3 triệu tỷ đồng) với hơn 20.000 lao động đang làm việc. Tuy nhiên, vụ việc gian lận báo cáo tài chính bị vỡ lỡ khiến Enron buộc phải tuyên bố phá sản vào cuối năm 2001. Tập đoàn Enron sụp đổ gây thiệt hại ước tính hơn 78 tỷ USD (khoảng 1,7 triệu tỷ đồng) cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

 

@www.entrepreneur.com

Sau khi sát nhập với Houstion Natural Gas và InterNorth, Enron trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất đất Mỹ sở hữu khối tài sản khổng lồ đến từ hàng loạt các công ty con, nhà máy, xí nghiệp đa chủng loại như nhà máy nước, nhà máy điện, nhà máy sản xuất bột giấy và giấy, ống dẫn khí và nhiều loại hình dịch vụ khác. Từ năm 1996 đến 2000, tức chỉ trong 4 năm ngắn ngủi, doanh số bán hàng của Enron đã tăng nhanh với tốc độ đáng kinh ngạc, từ 13,3 tỷ USD lên 100,8 tỷ USD (khoảng từ 299 nghìn tỷ đến 2,3 triệu tỷ đồng).

Mức doanh thu “trong mơ” này giúp Enron trở thành “ông trùm” ngành năng lượng Mỹ, 6 năm liền được tạp chí Fortune bầu chọn là  "Công ty sáng tạo bậc nhất Hoa Kỳ". Nhưng vào cuối năm 2001, tình hình tài chính thực tế của Enron bị phơi bày. Những bản báo cáo không minh bạch, thổi phồng doanh thu và gian lận sổ sách kế toán bắt đầu được đưa ra ánh sáng. Với hậu quả và những con số thiệt hại quá lớn được cho là không thể bù đắp: nhiều nhà đầu tư mất trắng số tiền dành dụm cả đời, hơn 20.000 nhân viên mất việc làm, sức ép dư luận… khiến "Enron” buộc phải đệ đơn xin phá sản vào năm 2001.

Vụ bê bối Enron khiến Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế phải xem xét lại những lỗ hổng trong các quy tắc kế toán ở Mỹ, cách quản lý và đặc biệt là an ninh tiền tệ để bảo đảm sẽ không để xảy ra sai sót tương tự trong tương lai. Nhiều người trong ban điều hành Enron bị tống giam, 2 lãnh đạo cao nhất là Jeffrey Skilling và Kenneth Lay bị kết tội che giấu, làm giả báo cáo, nội gián và gian lận chứng khoán. Jeffrey Skilling chịu mức án 24 năm tù và 45 triệu USD (khoảng 1 triệu tỷ đồng) tiền nộp phạt, riêng Kenneth Lay đã chết do bị nhồi máu cơ tim trong lúc chờ bản án dành cho mình.

 

3) Hoàng tử giả danh Gregor MacGregor và cú lừa ngoạn mục mang tên “Vương quốc Poyais”

Vào năm 1821, một người đàn ông Scotland tên là Gregor MacGregor đã leo lên tầng lớp quý tốc Anh và đút túi vô số tiền bạc từ việc tự nhận mình chính là hoàng tử của vương quốc "Poyais" và thuyết phục hàng trăm người ở Scotland đầu tư vào một đất nước không tồn tại.

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân nhân, lại may mắn cưới được cô vợ xinh đẹp – cháu gái của nhà lãnh tụ phong trào giải phóng Mỹ Latinh nổi tiếng Simon Bolivar nhưng Gregor MacGregor, sinh năm 1786 tại Glengyle, Scotland lại không hề hài lòng với điều đó. Với tham vọng bước chân vào thế giới của những người giàu có, hắn ta đã vạch ra một trong những kế hoạch lừa đảo tinh vi nhất lịch sử bằng cách tự bịa ra một đất nước không tồn tại gọi là “Vương quốc Poyais”.

Để thực hiện âm mưu của mình, MacGregor một mặt cho phát hành 2.000 trái phiếu mệnh giá 100 bảng, thu về 200.000 bảng làm vốn ban đầu, bán đất ở Poyais bằng cách thu tiền mặt trực tiếp. Mặt khác, hắn ta cho tiến hành chiến dịch tiếp thị dối trá với những mỹ từ khiến mọi người tin “Vương quốc Poyais” là một vùng đất hoàn toàn có thật.

MacGregor cho in các ấn phẩm quảng cáo, tờ rơi và những bài phỏng vấn được đưa lên trang nhất các tờ báo lớn trong đó hết lời ca ngợi về Poyais như là một vùng đất trù phú, màu mỡ, nơi có khí hậu trong lành, kim cương nhiều như sỏi, lúa không cần gieo cũng tự mọc, những thành phố văn minh và người dân không cần phải lo nghĩ khi dọn về an cư tại đây. Anh ta thậm chí còn cho ra đời những bài hát, bản đồ, sách hướng dẫn Poyais dày 355 trang có mặt tại khắp các hiệu sách ở London và Edinburgh và đổi tiền bảng Anh sang đồng đô la nhằm tạo dựng lòng tin của những nhà đầu tư khó tính nhất vào Poyais.

Chiến dịch quảng bá thành công ngoài mong đợi. Người dân Anh bắt đầu đổ xô đầu tư tiền bạc vào vùng đất quá sức hấp dẫn này. Đến đầu năm 1823, ước tính có khoảng 500 người đã mua đất và được cấp giấy xác nhận trở thành cư dân chính thức của vương quốc Poyais. Cuối năm 1822, tên tuổi hoàng tử “hờ” của vương quốc “ảo” nổi như phao. Vụ lừa đảo bán đất và trái phiếu này giúp MacGregor thu về vô số tiền bạc, trở thành người giàu có và nghiễm nhiên bước chân vào tầng lớp thượng lưu Anh. Thế nhưng tiệc vui không kéo dài được lâu, sau một thời gian tận hưởng danh tiếng cùng sự giàu sang, đã đến lúc kẻ lừa đảo phải trả giá.

Ngày 10/9/1822, hai chiếc tàu chở 270 người di dân hăm hở đi đến “miền đất hứa”. Nhiều người dân lao động nghèo, vì tin lời tên lừa đảo đã bán toàn bộ đất đai, đồ hết tài sản ít ỏi của họ vào đây với hy vọng có thể đổi đời với chuyến đi này. Tuy nhiên, vào ngày 22/1/1823, sau hơn 4 tháng trời lênh đênh trên biển, thứ họ nhận về lại là một cơn ác mộng tồi tệ đó là toàn bộ vương quốc Poyais giàu có, xinh đẹp chỉ là ảo giác không hơn. Nhiều người trong đoàn di cư thậm chí còn khăng khăng cho rằng tàu nhất định đã dừng nhầm chỗ và đòi đi xa hơn. Nhưng sau đó, nhiều những kẻ vững tin nhất cũng phải chán nản với sự thật nghiệt ngã.

Thất vọng và tức giận khi nhận ra mình đã bị lừa, đoàn người lập tức nhổ neo chuẩn bị quay về Scotland nhưng một cơn bão quét qua vùng Trung Mỹ đã đánh đắm cả hai con tàu, dập tắt hy vọng quay về nhà. Không còn cách nào khác, đoàn người trong số có cả người già và trẻ em đành phải ở lại vùng đất hoang vắng, lầy lồi vùng nhiệt đới. Lạ nước lạ cái, lại không nhận được sự giúp đỡ của người dân địa phương, phần lớn những người này phải đối mặt với đói khát và bệnh tật. Một số đã dùng súng tự tử trong tuyệt vọng, số khác vì cố gắng thoát khỏi hòn đảo mà chết đuối trên biển. Tháng 4/1823, một chiếc tàu đã tình cờ phát hiện và cứu sống 60 người kiệt sức đang nằm chờ chết trên tàu. Như vậy là sau chuyến di dân, từ 270 người ban đầu, nay chỉ còn 60 người còn sống trở về (chưa bao gồm những người chết vì kiệt sức trên chiếc tàu về đất liền).

 

4) Charles Ponzi – nhà đầu cơ lừa đảo

Đầu những năm 90, Charles Ponzi, một công dân người Italia đã lừa đảo chiếm đoạt tới 7 triệu USD (khoảng 157 tỷ đồng) bằng phương thức “quả cầu tuyết” khiến các nhà đầu tư tin rằng họ sẽ thu về số tiền nhiều hơn gấp mấy lần khoản tiền gửi lúc đầu.

 

@commons.wikimedia.org

Mùa hè năm 1919, khi đang sống ở Boston (Mỹ), Charles Ponzi bỗng nảy ra ý tưởng kinh doanh khi nhận được một tem thư từ một thương gia người Tây Ban Nha. Đây chính là một dạng phiếu bưu chính trả tiền trước (IRC) bán ra ở nước này nhưng lại có thể đem đổi thành tem thư và thu lại tiền ở nước khác. Cầm con phiếu trên tay, Ponzi nhận ra rằng mình có thể mua phiếu bưu chính tại một quốc gia bán giá rẻ hơn, sau đó đổi lấy tem thư ở một quốc gia khác với giá cao rồi đổi tem thư đó lấy tiền. Ý tưởng đã có, Ponzi bắt đầu lên kế hoạch thực hiện song cái khó đầu tiên là tiền đâu. Quả thực, ban đầu cần phải có nguồn vốn không nhỏ để mua lại các IRC với mệnh giá rẻ tại châu Âu.

Để huy động tiền, Ponzi đã đến gõ cửa từng nhà tất cả những người bạn từ quen thân đến mới vừa gặp mấy ngày và hứa sẽ trả lại gấp đôi sau 90 ngày. Ban đầu, nhiều người còn tỏ vẻ hoài nghi nhưng sau khi thấy có người nhận lãi quá hời chỉ trong tháng đầu nên sau cùng tất cả đã xiêu lòng, đem toàn bộ số vốn tích lũy được đem đến nhét vào tay Ponzi. Các khoản đầu tư bắt đầu đổ về ngày càng nhiều, đến tháng 1 năm 1920, Ponzi thành lập công ty riêng để quảng bá kế hoạch của mình.

Tháng 6/1920, tổng số tiền dồn vào kế hoạch của Ponzi đã tăng lên đến 2,5 triệu USD. Nhiều người bắt đầu thế chấp nhà cửa, thậm chí dồn hết tiền tiết kiệm khi về già của họ vào đây mà không ai nhận ra rằng Charles Ponzi đã ma lanh trục lợi bằng cách lấy tiền gửi của nhà đầu tư sau trả lãi cho tiền gửi của người trước. Bằng cách này, tài sản và danh tiếng Ponzi ngày càng đi lên nhưng chính sự lên hương quá sức chóng vánh này khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch trong “đường dây làm giàu” của hắn ta. Vụ việc vỡ lở khi một người trong số này muốn rút vốn mà Ponzi lại không thể trả được.

Mọi mánh khóe lừa đảo của Ponzi bị đưa lên mặt báo, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Kể từ đó, mọi thứ chấm hết với Charles Ponzi. Tháng 11/1920, Ponzi bị kết án 5 năm tù giam để lại “lời tạ lỗi” khổng lồ trị giá lên tới 20 triệu USD (tương đương 450 tỷ đồng) với các nhà đầu tư nhẹ dạ bị đồng tiền làm mờ mắt.

Sau khi ra tù, Ponzi vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục mánh khóe tương tự với bất động sản nhưng bị phát hiện và lại bị tống vào nhà đá, sau đó bị trục xuất về Italia. Tại quê nhà, trải qua nhiều biến cố đến Thế chiến II, Ponzi chính thức trở thành kẻ trắng tay, bị tai biến mạch máu não khiến nửa thân người bị liệt và chết trong bệnh tật và cô đơn tại một bệnh viện tồi tàn ở Rio de Janeiro.

 

5) Vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền gởi tiết kiệm và cho vay ở Hoa Kỳ những năm 1980-1990

Sau khi mua lại hai công ty tài chính Lincon Savings và Loan Association, Charles Keating bắt đầu tự ý đổ tiền mặt ký gửi của người dân vào các dự án có rủi ro cao. Vụ việc lừa đảo này được công bố vào năm 1989 sau khi Lincon phá sản. Keating  vỡ nợ khiến hàng ngàn nhà đầu tư mất trắng tài sản dành dụm cả đời.

 

@www.nytimes.com

Charles H. Keating là một người đa tài nhưng cũng lắm tật. Không chỉ là nhà vô địch bộ môn bơi lội, chính khách, luật sư, chủ ngân hàng và nhà phát triển bất động sản mà tiếng tăm của ông còn được hậu thế biết đến nhiều nhất trong vai trò “kẻ phản diện” trong vụ bê bối chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm và cho vay vào cuối những năm 1980.

Sau khi mua lại Lincoln Savings & Loan với giá 51 triệu USD, gấp đôi giá thị trường vào năm 1984, bước lên vị trí cao nhất trong ban điều hành sau khi sa thải những người nắm quyền cũ. Lợi dụng luật mới vừa ban hành, Charles H. Keating dùng tiền của người gửi đổ vào các khoản đầu tư có rủi ro cao như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu rác. Chỉ trong 4 năm sau, tài sản của Lincoln tăng lên chóng mặt, từ 1,1 tỷ USD lên 5,5 tỷ USD (24-123 nghìn tỷ đồng).

Năm 1989, công ty mẹ của Lincoln, tập đoàn American Continental phá sản. Một ngày sau khi Continental sụp đổ, chính quyền liên bang bắt giữ Lincoln Savings. Vụ việc này đã khiến 23.000 khách hàng mất trắng 250 triệu USD (hơn 5000 tỷ đồng) vì số trái phiếu giờ đã trở nên vô giá trị. Keating lãnh án 4 năm rưỡi tù vì tội lừa đảo, gian lận kinh doanh.

 

6) Tiền giả và cuộc khủng hoảng tồi tệ của các ngân hàng ở Bồ Đào Nha năm 1925

Năm 1925, một người đàn ông người Bồ Đào Nha tên là Alves dos Reis đã ký hợp đồng với chính phủ để in tiền 100 triệu escudos Bồ Đào Nha, tương đương với 0,88% GDP danh nghĩa của Bồ Đào Nha vào thời điểm đó dẫn đến cuộc khủng hoảng tiền giấy nghiêm trọng ở đất nước này.

 

@commons.wikimedia.org

Năm 1924, Alves dos Reis bị tống vào tù vì tội làm giả séc lừa tiền một công ty. Trong thời gian ở từ gần 2 tháng, ông ta đã kịp lên kế hoạch lừa đảo mà sau này được gọi là "cuộc khủng hoảng tiền giấy ở Bồ Đào Nha". Sau khi mãn hạn tù, Alves đã làm giả một hợp đồng ma đứng tên ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha, trong đó có con dấu xác nhận hắn ta là nhà thầu in tiền hợp pháp.

Sau khi có được giấy phép in ấn, Alves tiếp tục làm lại bản hợp đồng, công chứng chúng thành nhiều bản. Ông ta hợp tác với những quan chức ngân hàng, ký vào đó những chữ ký giả lời nhận xét giả mạo, thậm chí còn làm giả chữ ký của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha, Inocencio Camacho Rodrigues để lấy lòng một đại diện đến từ công ty in ấn có trụ sở tại London và thuyết phục các đối tác Hà Lan rằng ngân hàng ở Bồ Đào Nha đã cho phép anh ta in ấn tiền tệ tại đây.

Một tháng sau, tức tháng 2/1925, theo hướng dẫn của Alves, hãng Waterlow and Sons Limited đã in xong mẻ hàng đầu tiên với 200.000 tờ tiền mệnh giá 500 escudos Bồ Đào Nha (tương đương với 0,88% GDP danh nghĩa của Bồ Đào Nha lúc đó). Một năm sau, các loại tiền giả mệnh giá 500 escudos được đưa ra lưu hành ở Bồ Đào Nha. Tháng 6/1925, sau khi đút túi được số tiền kếch xù, Alves làm giả giấy tờ để thành lập Ngân hàng Banco de Angola & Metropole, mua thêm cổ phiếu tại chính Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha với sẽ có thể che giấu thành công âm mưu lừa đảo của mình. Năm 1925, Alves nắm trong tay 10.000 cổ phiếu, chính thức trở thành một trong những cổ đông lớn của ngân hàng này.

Tuy nhiên, tin đồn về tiền giả cộng thêm việc làm ăn mờ ám của Alves nhanh chóng bị bại lộ sau khi tờ nhật báo O Seculo công bố bài viết nghi ngờ việc cho vay lãi suất thấp bất thường mà không cần thế chấp của ngân hàng Banco de Angola và Metropolis. Cuối cùng, ngân hàng Trung Ương Bồ Đào Nha tiến hành kiểm tra với bên in ấn và toàn bộ sự thật bị phơi bày. Alves bị bắt ra toàn xét xử với tội danh lừa đảo, làm giả giấy tờ, séc được thành lập và cái giá hắn ta phải trả là 20 năm tù giam.

 

7) Vụ đầu cơ liều lĩnh của “vua diêm” Ivar Kreuger và cái kết bi thảm

Trong những năm 1920, Ivar Kreuger, ông trùm kinh doanh, người sở hữu hàng loạt các công ty lớn, ngân hàng, các công ty điện ảnh, báo chí, khai mỏ, các công ty điện thoại và đường sắt sau khi thao túng thị trường diêm tại nhiều nước trên thế giới đã kết thúc cuộc đời bằng một phát súng vào đầu trong một khách sạn ở Paris.

 

@en.wikipedia.org

Trở thành kỹ sư xây dựng từ rất sớm khi chỉ mới 20 tuổi, chàng trai trẻ người Thụy Điển, Ivar Kruger bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách đi bôn ba khắp thế giới và xây nên nhiều công trình như khách sạn, nhà ở và công xưởng ở Mỹ, Nam Phi, Anh, Ấn Độ và Mexico. Nổi tiếng trong số này có Plaza Hotel ở New York và nhiều địa danh khác.

Năm 1908, sau khi tích lũy được kha khá kinh nghiệm, ông trở về quê nhà cùng với người bạn mở một công ty ở Thụy Điển. Với tài kinh doanh của mình, công ty của Ivar nhanh chóng trở thành công ty xây dựng có tiếng tăm nhất Thụy Điển. Sau đó, Kruger tiếp quản công ty sản xuất diêm của cha mình. Năm 1917, ông thành lập tập đoàn Match Swedish, tiếp tục phát triển và bành trướng công việc làm ăn thừa hưởng từ người cha. Trong thời kỳ khủng khoản tài chính sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Kruger bắt đầu nghĩ đến việc đứng ra vay tiền ngân hàng từ các nước bên kia Đại Tây Dương sau đó cho chính phủ các nước châu Âu vay lại để đổi lấy quyền độc quyền sản xuất và tiêu thụ diêm ở thị trường châu Âu.

Từ năm 1925, bằng phương thức này, Kruger bắt đầu giành được độc quyền về diêm ở nhiều quốc gia Châu Âu, chiếm lĩnh ba phần tư thị trường diêm thế giới. Tổng tài sản của Kruger tăng chóng mặt. Đến năm 1931, tập đoàn Match Swedish sở hữu tới hơn 250 công ty con tại 43 quốc gia. Thế nhưng, quyết định đánh cược với chính phủ mà không lường trước được bản chất ván bài này, mình chính là người luôn nắm đằng lưỡi đã khiến đế quốc của ông sụp đổ trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20.

Trong bối cảnh và tác động của cuộc khủng hoảng ấy, độc quyền về sản xuất và tiêu thụ diêm mà Kreuger có được cũng chẳng thể giúp “ông trùm ngành diêm” Kreuger trả được những khoản nợ khổng lồ (đã lên tới 1 tỷ USD) mà ông đã đứng ra vay hộ cho các chính phủ. Các chủ nợ liên tục nghi ngờ, Kreuger buộc phải gian lận sổ sách để che giấu nhưng cũng không kéo dài được bao lâu. Vào ngày 12/3/1932, trong lúc các chủ nợ kéo đến đòi tiền, người ta bất ngờ tìm thấy Kreuger chết trong một khách sạn ở Paris với một khẩu súng bên cạnh.

Cái chết của Kruger tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn trên thị trường chứng khoán. Vụ bê bối này đánh thẳng vào các nhà đầu tư và các công ty trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và Thụy Điển. Sau sự ra đi của Kreuger, việc giả mạo các trái phiếu của Ý giá trị lên tới 142 triệu USD (khoảng 3,200 tỷ đồng) cũng bị phanh phui. Tại Thụy Điển, người ta ước tính khoản nợ của Kruger thậm chí còn lớn hơn nợ công của đất nước, trong khi những người nợ tiền của Kreuger đều biến mất như thể họ chẳng hề liên quan. Kết quả là số người tự tử ở Thụy Điển tăng lên và thủ tướng phải từ chức. Tại Mỹ, cổ phiếu của tập đoàn Kreuger trở nên vô giá trị, hàng ngàn người mất việc làm, tỷ lệ vô gia cư trong nước tăng chóng mặt.

 

8) Vụ “tên trùm lừa đảo” Emmanuel Nwude bán sân bay giả cho ngân hàng quốc tế

Emmanuel Nwude, người Nigeria đã lừa ngân hàng quốc tế đầu tư vào một sân bay giả chiếm đoạt số tiền lên đến 242 triệu USD (khoảng 5400 tỷ đồng). Dù vậy, phải mất tới 3 năm sau, vụ lừa đảo chấn động này mới bị phát hiện.

 

Emmanuel Nwude là một tay bịp bợm người Nigeria, trước đây là giám đốc Ngân hàng Liên minh Nigeria. Năm 1995, ông ta đã lừa gạt Nelson Sakaguchi, giám đốc ngân hàng Banco Noroeste của Brazil bằng cách mạo nhận mình Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria, Paul Ogwuma. Trong vai thống đốc, Nwude đã thuyết phục Sakaguchi đầu tư vào một sân bay mới ở thủ đô Abuja, Nigeria để đổi lấy một khoản hoa hồng 10 triệu USD (khoảng 225 tỷ đồng).

Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1997, vụ việc này mới bị vỡ lở khi ngân hàng Tây Ban Nha quyết định về tiếp quản ngân hàng Banco Noroeste Brazil. Một viên chức của ngân hàng Tây Ban Nha nghi ngờ về số tiền lớn mà Noroeste đang cho vay nên đã báo cơ quan chức năng điều tra. Kết quả là nhà đầu tư Bzazil Sakaguchi phát hiện mình bị lừa, đã chuyển cho Emmanuel Nwude số tiền lên tới 242 triệu USD trong suốt 3 năm, từ năm 1995 đến năm 1998 để mua về một sân bay không có thật.

 

9) Lừa bán tháp Eiffel

Khi phát hiện tháp Eiffel sẽ bị phá bỏ nếu không có đủ kinh phí tu sửa, Victor Lustig đã nghĩ một kế hoạch làm giả giấy tờ chính phủ và lừa bán tháp tới hai lần, thu về số tiền 200.000 USD tiền hối lộ từ các doanh nhân luyện kim.

 

@www.smithsonianmag.com

“Kẻ lừa đảo vĩ đại nhất thế kỷ 20”, Victor Lustig bắt đầu sự nghiệp lường gạt của mình với “chiếc rương in tiền”. Làm từ gỗ cao cấp nên chiếc rương này có vẻ ngoài rất sang trọng. Rót vào tai khách với những lời mật ngọt rằng chiếc rương in tiền thần kỳ này sẽ in ra những tờ tiền mệnh giá 100 USD (hơn 2, 2 triệu đồng) chỉ sau 12 giờ “xử lý hóa chất” nhưng thực chất, nó chỉ nhả ra những tờ tiền thật đã được nhét sẵn bên trong.

Sau khi dẫn khách ra ngân hàng xác nhận thật giả tờ 100 đô đầu tiên được máy “in” ra, Lustig tỏ ra rất khoái chí nhưng ngoài mặt y tảng lờ để người mua cảm thấy mình không hề có ý định bán rương. Bị khả năng của chiếc rương mê hoặc, những vị khách được mời đến coi máy không còn tỉnh táo nữa, họ sẵn sàng trả cho Lustig khoản tiền khổng lồ để mua cho bằng được chiếc rương “thần”. Về phần Lustig, sau khi hốt được một vớ đậm, dĩ nhiên là với khoảng thời gian rất lâu, tới 12 giờ để máy kịp in tiền, hắn ta thừa sức cao chạy xa bay đến những vùng đất khác để tiếp tục thực hiện những âm mưu lừa đảo mới.

Ý tưởng Eiffel của Lustig nảy sinh vào năm 1925 khi y vô tình hóng được tin chính phủ Pháp sẽ phá dỡ tháp nếu không có đủ phí bảo dưỡng trong một tờ báo. Làm giả giấy tờ để đặng vào vai quan chức chính phủ, Lustig gửi thư mời sáu ông chủ công ty phế liệu đến khách sạn và mở một cuộc đấu giá kín với lý do đưa ra là để tránh sự phản đối của những người ủng hộ việc tu sửa tháp.

Nhận thấy cơ hội ngon ăn đang ở trước mặt trong khi mức giá khởi điểm quá hợp lý, các ông chủ phế liệu tuy không tỏ ý ra mặt nhưng ai cũng muốn mình phải là người giành được hợp đồng béo bở này. Để chắc chắn giành được hợp đồng trước các đối thủ, nhà phân phối phế liệu mới nổi Andre Poisson đã giúi vào túi Lustig một khoản tiền hối lộ 50.000 franc. Sau khi nhận được tiền, Lustig đã lập tức trốn sang Áo. Về phần nhà buôn phế liệu Poisson, dù biết bị lừa nhưng vì quá xấu hổ nên ông ta đành giữ kín miệng mà không báo cho cảnh sát.

Một tháng sau, khi trở về Paris, Lustig ban đầu lấy làm lạ vì vụ việc lừa tiền của mình lại không hề xuất hiện trên bất cứ một mặt báo nào. Thấy ngon ăn, y lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, lên kế hoạch lừa bán tháp Eiffel với thủ đoạn tương tự cho các nạn nhân nhẹ dạ. Tuy nhiên, khác với Andre Poisson, nạn nhân thứ hai này đã đến cảnh sát, trình báo hết những hành vi lừa đảo Lustig và tên bịp bợm rất bị tóm rất nhanh chỉ sau 1 tháng lẩn trốn.

 

10) Vụ lừa đảo Robert Gomez năm 1997

Chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 1997 đến 2002, hơn 4.000 người đã chuyển khoản phí trả trước trị giá 1000 USD/người cho một người đàn ông để nhận được một trong những chiếc siêu xe – được cho là tài sản để lại sau khi chết của một nhà tỷ phú không hề tồn tại. Kế hoạch lừa đảo trắng trợn này đã giúp chủ nhân của nó thu về hơn 21 triệu USD (khoảng 472 tỷ đồng).

 

@www.highlineautomotive.in

“Phi vụ lừa đảo siêu xe thần thánh” bắt đầu khi một người đàn ông tên là Robert Gomez, tuyên bố rằng anh là chính con nuôi của John Bowers, giám đốc điều hành siêu giàu của một công ty thực phẩm sở hữu khối tài sản trị giá lên đến 411 triệu USD (khoảng 9200 tỷ đồng). Ngay trong khuôn viên nhà thờ, trước thềm lễ Giáng Sinh, Gomez cho biết, người cha nuôi của mình trước khi chết muốn nhượng lại 16 chiếc xe hơi sang trọng trong bộ sưu tập của ông như là một món quà dành cho những người may mắn.

Để nhận được siêu xe, người thụ hưởng chỉ cần bỏ ra một khoản phí vận chuyển từ 1,000 đến 1,100 USD (từ hơn 22 triệu đến 25 triệu đồng) cho mỗi chiếc xe. Tin tức lan truyền lan như tên lửa. Dù nhiều người trong số này tỏ ra hoài nghi song một số kẻ khác cũng đã để vật chất ru ngủ ý chí. Họ bắt đầu gửi khoản phí chuyển nhượng. Chỉ trong 5 năm, từ 1997 đến 2002, đã có tới 4000 người chấp nhận thanh toán khoản phí này cho Gomez.

Số lượng xe có hạn trong khi những khoản tiền liên tục được chuyển về tài khoản làm dấy lên tin đồn về sự mờ ám của chàng con nuôi nhà tỷ phú. Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và kết luận rằng trên đời chưa từng tồn tại một người đàn ông tên là John Bowers, tỷ phú ngành thực phẩm, sở hữu khối tài sản khổng lồ như mô tả.

Khi bị bắt vào năm 2002, cảnh sát đã tìm thấy trên người Gomez và một tên đồng phạm số tiền 21,1 triệu USD (khoảng 474 tỷ đồng). Năm 2003, Gomez bị kết án 21 năm và 10 tháng tù giam, một cái giá xứng đáng cho hành vi lừa đảo của hắn.

 

“Vụ lừa đảo Maria Duval” cũng la một vụ gây chấn động lịch sử, hãy xem giải mã về nó:

Trong 10 phi vụ kinh điển này, bạn choáng với vụ nào nhất? Hãy bình luận để trao đổi quan điểm và đừng quên chia sẻ bài viết nhé!

Bài viết liên quan: