Tiết lộ sự thật thú vị đằng sau những logo nổi tiếng thế giới

Ngày 20/04/2018 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Logo là biểu tượng của thương hiệu, là bộ mặt của một doanh nghiệp. Nó mang một ý nghĩa tóm tắt đồng thời truyền tải một thông điệp rõ ràng về công ty và lời chào hàng của công ty đó đến người tiêu dùng. Các công ty hoặc tập đoàn lớn sẵn sàng chi hàng triệu đô la để thiết kế biểu tượng riêng cho mình. Đó phải là một logo thực sự độc đáo để nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh, làm thế nào để nhìn vào, khách hàng nhận ngay ra bạn và món hàng công ty bạn chào bán, vậy là thành công.

Chúng ta nhìn thấy hàng trăm logo mỗi ngày, ở bất cứ đâu, trên những đoạn quảng cáo tivi, những tờ áp phích ngoài phố hay đơn giản là trên quần áo mặc hàng ngày. Tuy nhiên, trong số vô vàn những biểu tượng đó, chỉ có một số ít logo làm tốt nhiệm vụ của nó – để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của chúng ta. Nhìn những hình ảnh trừu tượng đầy màu sắc đó mỗi ngày nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi về những câu chuyện và ý nghĩa đằng sau nó?

Bài viết này, chúng tôi sẽ giải mã ý nghĩa của 10 logo của các biểu tượng nổi tiếng thế giới.

 

1) FedEx

Ít ai để ý trên logo của FedEx có một mũi tên trắng được khéo léo bố trí nằm ẩn giữa khoảng cách hai chữ "E" và "x" được tạo ra bằng cách trộn hai phông chữ lại với nhau. Sự sáng tạo thông minh này đã giúp FedEx giành được hơn 40 giải thưởng thiết kế uy tín trên toàn cầu.

Logo, thương hiệu

Logo FedEx là một trong những biểu tượng được nhận diện nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, chữ in đậm và màu sắc tươi sáng của logo này lại không phải là lý do khiến nó trở nên tuyệt vời. Điều thú vị nằm ở mũi tên nằm ẩn ngẫu nhiên được tạo ra nhờ không gian trống giữa chữ "E" và "x", vừa làm tăng thêm uy tín cho công ty vừa ăn điểm ở sự ứng dụng hoàn hảo và thông minh trong không gian hẹp. Thiết kế này xứng đáng đạt điểm 10 vì sự đơn giản nhưng đủ rõ ràng.

Tác giả, cha đẻ của logo FedEx là Lindon Leader. Logo được ông thiết kế vào năm 1994 và nó thực sự là một huyền thoại khi nói đến các thiết kế biểu tượng. Logo FedEx đã giành được khoảng 40 giải thưởng thiết kế và vinh dự được chọn để trở thành một trong những biểu tượng hiệu quả nhất trong 35 năm qua.

Khi Lindon bắt đầu nhận được lời đề nghị thiết kế logo FedEx từ giám đốc điều hành Fred Smith, trong quá trình tinh chỉnh phông chữ cho các chữ cái, ông bất ngờ nhận thấy một mũi tên nhỏ xuất hiện giữa chữ E và x. Sau phát hiện thú vị này, ông đã kết hợp các tính năng tốt nhất của hai phông chữ khác nhau là Univers và Futura Bold để làm cho mũi tên trở nên tự nhiên nhưng cũng không được trông quá lộ liễu. 

Khi bản thiết kế cuối cùng được trình lên ban giám đốc FedEx, giám đốc điều hành là người đầu tiên nhận thấy mũi tên ẩn trong thiết kế của Lindon. Lập tức ai cũng nhận ra đó là thứ họ đang cần để quảng bá cho phương châm tốc độ và sự chuyên nghiệp mà dịch vụ chuyển phát nhanh của FedEx muốn truyền tải đến khách hàng.

 

2) VLC Media Player

VLC Media Player sử dụng hình nón giao thông làm biểu tượng đơn giản chỉ vì các sinh viên, những người đã viết mã cho dự án VideoLAN thích sưu tập các loại nón giao thông.

Logo, thương hiệu

Chắc hẳn các mọt phim đã không còn xa lạ gì với biểu tượng màu cam này trong những lần chờ đợi phần mềm này khởi động rồi phải không nà? Vâng, nếu bạn đã từng tự hỏi biểu tượng ngộ nghĩnh này có ý nghĩa gì hôm nay chúng tôi sẽ mang câu trả lời đến cho bạn. 

Người tạo ra VLC Media Player là Hiệp hội ViaRézo của Hội Sinh viên Mạng Học có trụ sở đặt tại École Centrale, Pháp. Một lần, khi đang trong quá trình thiết kế biểu tượng cho dự án, nhóm sinh viên này đã đi ra ngoài chè chèn hội tụ và trở về trong tình trạng say khước và tiện tay bứng luôn một chiếc nón giao thông về làm kỷ niệm. Sau đó, họ bắt đầu có sở thích thu thập hình nón giao thông.

Khi dự án VideoLAN bắt đầu phát triển VLC Media Player, nhóm sinh viên này đã quyết định sử dụng hình nón làm biểu tượng cho phần mềm như là một kỷ niệm cho những ngày tháng bù khú đáng nhớ của mình vậy.

 

3) Domino’s Pizza

Logo ba dấu chấm siêu nổi tiếng của cửa hàng pizza Domino's Pizza mang ý nghĩa tượng trưng cho ba cửa hàng thời điểm lập nghiệp vào năm 1965. Họ dự định sẽ thêm một dấu chấm vào đó mỗi khi có một cửa hàng mới khai trương nhưng việc mở rộng kinh doanh quá nhanh khiến ý tưởng này đành phải xếp xó.

Logo, thương hiệu

Domino's ban đầu là cửa hàng pizza tên DomiNick, thuộc quyền sở hữu của Tom Monaghan và người anh trai James. Hai anh em họ quyết định chia đôi thời gian để điều hành và quản lý công việc kinh doanh tiệm bánh. Tuy nhiên, vì người anh trai James không muốn bỏ công việc bưu điện chỉ để trở thành một người quản lý pizza nên sau một thời gian, James quyết định quay trở lại công việc và bán một nửa vốn cho Tom.

Năm 1965, Tom bắt đầu mở rộng kinh doanh bằng khi mua thêm hai cửa hàng pizza nữa. Để tạo sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh và gây ấn tượng với khách hàng, anh ấy muốn cả ba cửa hàng đều có chung một thương hiệu. Tuy nhiên, DomiNick – cái tên ban đầu lại bị chủ sở hữu từ chối nên Tom quyết định đổi tên cửa hàng thành Domino's sau khi được một nhân viên gợi ý.

Lập nghiệp chỉ với ba cửa hàng, Tom đã quyết định thêm ba dấu chấm vào logo. Ông cũng dự định sẽ thêm một dấu chấm vào logo mỗi khi có một cửa hàng mới khai trương. Tuy nhiên, công việc kinh doanh mở rộng nhanh đến mức Tom phải từ bỏ ý định này. Bởi nếu vẫn giữ ý nghĩ đó thì bây giờ chúng ta đã thấy nguyên cái bánh đa với hơn hột 13.000 mè thay vì chỉ 3 dấu chấm trên logo của Domino’s Pizza như hiện tại nữa.

 

4) Walt Disney

Logo của Walt Disney không dựa trên chữ ký tay của Walt. Nhưng trên thực tế, đó là một phiên bản cách điệu từ chữ ký thực của Walt của một nhóm nghệ sĩ. Điều đáng nói là phiên bản cách điệu nổi tiếng đến nỗi Walt Disney đã gặp rắc rối với chữ ký của chính mình.

Logo, thương hiệu

Chắc hẳn không ai trong chúng ta còn xa lạ gì với biểu tượng Walt Disney nữa phải không nào. Tuy nhiên, ít ai biết rằng vào những năm đầu, logo của Walt Disney chỉ có vỏn vẹn 3 từ "Walt Disney Presents". Hình ảnh lâu đài sau đó mới được thêm vào.

Nhưng phần hấp dẫn không nằm ở đấy. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng cụm từ Walt Disney xuất hiện trên logo được scan ra từ chữ ký tay của ông chủ Walt. Nhưng sự thật lại không phải vậy. Trên thực tế, nó là một phiên bản được cách điệu từ chữ ký thực sự của Walt được tạo ra bởi một nhóm nghệ sĩ.

Khi công ty bắt đầu phát triển, vì quá bận bịu với công việc, Walt đã không thể ký tặng từng bức thử gửi fan mà ông nhận được. Do đó, thư ký của ông và một số nhân viên khác được giao nhiệm vụ đảm nhận chăm sóc thư từ của người hâm mộ gửi về và thay mặt Walt ký tên vào những bức thư đó. 

Điều này đã dẫn đến một tình huống “dở khóc dở cười” trong những năm 1940, khi mà chữ ký phiên bản giả của Walt thậm chí còn nổi tiếng hơn hẳn bản gốc. Phiên bản cách điệu này phổ biến đến nỗi nó đã cho khiến ông chủ Walt Disney phải mất một thời gian dài tập ký tên theo mẫu do chính nhân viên của mình cách điệu ra.

Nhiều năm sau, mặc dù Walt đã cố gắng thay đổi chữ ký của mình để phù hợp với bản cách điệu nhưng nếu để ý bạn vẫn có thể tìm ra nhiều điểm khác biệt khi so sánh chúng với nhau.

 

5) Bluetooth

Bluetooth được đặt theo tên của người trị vì Đan Mạch, vua Harald Bluetooth. Logo của công nghệ này cũng được ghép từ hai chữ cái đầu tiên đại diện cho tên nhà vua này theo tiếng Đan Mạch - H (ᚼ) và B (ᛒ).

Logo, thương hiệu

"Bluetooth" của Ericsson là công nghệ mang tính cách mạng của thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguồn gốc tên gọi này là được đặt theo tên của vua Harald Bluetooth, người trị vì Đan Mạch từ giữa năm 958 đến 986 sau Công nguyên. 

Trong thời kỳ cai trị của mình, vị vua này đã có công truyền Kitô giáo đến Đan Mạch và Na Uy cũng như góp phần vào việc thống nhất các bộ lạc Đan Mạch về chung một nhà. Sự nhất thống này tạo ra liên tưởng phù hợp với sứ mệnh của công nghệ không dây Bluetooth. Bởi vì, giống như những gì người trị vì của họ đã làm để thống nhất đất nước, công nghệ này cho phép đơn giản hóa kết nối các thiết bị với nhau.

Sau này, logo của Bluetooth được thiết kế dựa trên hệ thống bảng chữ rune. Rune là loại chữ có 24 ký tự và chỉ sử dụng nét thẳng được sử dụng để viết các ngôn ngữ Germanic trước khi chữ cái Latin trở nên phổ biến. Trong logo, hai chữ rune là đại diện cho các chữ cái đầu trong tên của nhà vua được sáp nhập - ᚼ (Hagall) và ᛒ (Bjarkan), tức là H và B.

 

6) Ferrari

Logo ngựa đua của Ferrari ban đầu là biểu tượng trang trí trên chiếc máy bay của Count Francesco Baracca, viên phi công hàng đầu của Ý trong Thế chiến thứ nhất. Sau khi Francesco qua đời, Enzo Ferrari được mẹ của viên phi công nọ gợi ý sử dụng hình ảnh ngựa đua với hy vọng sẽ mang lại may mắn.

Logo, thương hiệu
Đối với những người hâm mộ dòng xe sang Ferrari, chắc hẳn biểu tượng con ngựa tung vó đã không còn xa lạ. Nổi tiếng có thừa nhưng ít ai trong chúng ta biết là hình ảnh con ngựa này vốn là biểu tượng được viên phi công huyền thoại Count Francesco Baracca sử dụng trên chiếc máy bay chiến đấu của ông. Hình ảnh con ngựa này  này đã cùng ông ra trận và giành được 34 chiến thắng vang dội trước khi hy sinh.

Khi Enzo Ferrari gặp cha mẹ của Francesco, bà đã gợi ý rằng Enzo nên sử dụng biểu tượng ngựa tung vó trang trí xe ô tô với hy vọng nó sẽ mang lại may mắn. 12 năm sau, với biểu tượng con ngựa đua trên chiếc Scuderia, Enzo Ferrari đã giành chiến thắng tại cuộc đua SPA 24 Hours vào năm 1932. Kể từ đó, con ngựa đua trên nền màu đen như trên máy bay của Francesco được Ferrari giữ nguyên, ông chỉ thêm nền màu vàng để tượng trưng cho màu sắc của nơi mình sinh ra, Modena.

Tuy nhiên, Ferrari không phải là công ty duy nhất từng sử dụng biểu tượng ngựa tung vó để làm biểu trưng cho thương hiệu. Được biết, Fabio Taglioni cũng đã sử dụng hình ảnh này trên chiếc xe máy Ducati nhưng khi danh tiếng của Ferrari tăng lên, Ducati đã dần bỏ đi để rồi bây giờ biểu tượng con ngựa hoàn toàn là một đặc điểm nhận dạng của Ferrari.

 

7) Apple

Biểu tượng táo khuyết của Apple được tạo ra đơn giản là để nó không bị nhầm lẫn với quả cherry.

Logo, thương hiệu

Có rất nhiều giai thoại đằng sau logo của Apple. Trong số đó, câu chuyện nổi tiếng và dược nhiều người tin theo nhất logo của Apple được thiết kế để vinh danh Alan Turing, một người đàn ông huyền thoại đã đặt nền móng cho máy tính hiện đại và khái niệm trí tuệ thông minh nhân tạo. 

Tài năng như vậy nhưng vì đồng tính nên anh ta bị cộng đồng sỉ nhục. Quá uất ức, trong một lần nghĩ quẩn, anh này đã chộp lấy một quả táo đã tẩm chất độc xyanua để tự kết liễu đời mình. Vì vậy, khi Apple công bố logo, mọi người tin rằng nó đại diện cho quả táo mà Turing đã dùng để tự tử.

Tỉnh mộng chưa mấy chế! Năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn với CreativeBits, Rob Janoff, người tạo ra biểu tượng của Apple đã bác bỏ tất cả các tin đồn có liên quan đến logo trái táo. Ông cho biết, vết cắn trên quả táo chỉ nhằm mục đích phân biệt để trái táo của Apple (khá nhỏ) trông không quá giống quả cherry mà thôi.

 

8) Baskin Robbins

Nếu tinh ý, bạn sẽ nhìn thấy số “31” được khéo léo lồng vào bên trong logo của Baskin Robbins. 31 cũng chính là số hương vị hãng kem này đang phục vụ trên toàn thế giới.

Logo, thương hiệu

Baskin Robbins là một trong những thương hiệu kem nổi tiếng và phổ biến nhất thế giới. Tuy khởi nghiệp chỉ với hai tiệm kem, đó là Cửa hàng Burt's Burt Baskin và Snowbird Ice Cream nhưng hai anh em Burt Baskin và Irv Robbins lúc đó đã cung cấp đến 21 hương vị đặc trưng cho khách hàng, và tất nhiên nó là một món hàng độc nhất vào thời điểm đó. 

Năm 1953, họ quyết định sát nhập hai cửa hàng mang màu sắc riêng của hai người lại với nhau để trở thành Baskin Robbins. Ý tưởng về 21 hương vị cũng được mở rộng thành 31 hương vị, đại diện cho số ngày trong tháng với tiêu chí khách hàng có thể thưởng thức một hương vị mới mỗi ngày khi đến Baskin Robbins. Ý tưởng này được khuyến nghị bởi đơn vị quảng cáo địa phương Carson Roberts.

Baskin Robbins thể hiện rõ ràng và riêng biệt số 31 trên logo của họ. Tuy nhiên, mẫu logo này đã được thay thế vào năm 2007 với logo hiện tại mà chúng ta đã quen thuộc ngày nay. Tuy không còn được đứng riêng một mình nhưng số “31” vẫn được thể hiện theo cách rất độc đáo và thông minh trên logo bằng cách lồng vào giữa tên viết tắt của thương hiệu.

 

9) McDonald’s
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, biểu tượng "M" màu vàng của McDonald hổng có chút xíu gì liên quan đến cái tên McDonald's - đế chế đồ ăn nhanh của Mỹ đâu nha, thay vào đó nó được tạo ra từ kiến trúc vòm vàng của một cửa hàng McDonald's đầu tiên.

Logo, thương hiệu

Mọi chuyện bắt đầu khi kiến trúc sư Stanley Clark Meston được thuê để thiết kế tòa nhà mới khi hai anh em Richard và Maurice McDonald quyết định nâng cấp tòa nhà mới để mở rộng việc kinh doanh hamburger. Richard đã vẽ một phác họa bao gồm hai vòm hình nửa vòng tròn mà ông nghĩ là sẽ thu mắt sự chú ý của người qua đường. Sau đó, vị kiến trúc sư này đã chuyển đổi chúng thành một cặp parabolas bằng kim loại cao 7,6m nổi bật với hàng ánh sáng neon bằng vàng.

Khi nhìn ở góc xéo, hai vòm vàng này vô tình tạo thành một phiên bản cách điệu của chữ "M." Khi mua lại doanh nghiệp vào năm 1961, Ray Kroc đã đưa thiết kế kiến trúc đặc biệt này kết hợp với logo của công ty. Sau đó, Fred Turner lên nắm giữ vị trí chủ tịch và ông đã phác hoạ ra một logo ban đầu với chữ "V.", Jim Schindler, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật đã thay đổi, cụ thể là xoay ngược bản vẽ mẫu "V" thành "M" để nó trông giống cửa hàng đầu tiên của McDonald nhìn từ góc chéo. Ý tưởng này chính là khởi nguồn cho biểu tượng mà chúng ta biết ngày nay.

 

10) Nike

Bạn có biết logo của Nike Swoosh chính là hình ảnh tượng trưng cho đôi cánh của nữ thần chiến thắng Hy Lạp và người thiết kế ra nó chỉ được trả 35 USD (800 nghìn đồng). Sau đó, người sáng lập của Nike đã gửi cho cô sinh viên thiết kế logo năm nào một phong bì có cổ phần của Nike như một lời cảm ơn.

Logo, thương hiệu

Logo của Nike Swoosh đã được Giáo sư Trường doanh nghiệp Harvard, Stephen A. Greyser, mô tả như "cuộc sống, biểu tượng sống động của công ty." Swoosh, logo của Nike được thiết kế bởi Carolyn Davidson khi cô học thiết kế đồ họa tại trường Đại học Portland. Phil Knight, một trong những người sáng lập Nike lúc đó đang dạy lớp kế toán tại trường Carolyn theo học.

Hay tin cô trò Carolyn đang kiếm một công việc làm thêm để có tiền trang trải cho lớp sơn dầu, CEO của Nike, Phil đã đề nghị cô nộp đơn vào làm việc với tư cách cộng tác viên tự do cho công ty của mình với mức lương theo giờ, khoảng 2 USD cho mỗi giờ sáng tác.

Carolyn đã thiết kế rất nhiều logo nhưng cuối cùng Swoosh là cái được chọn. Tổng cộng, với 17,5 giờ làm việc cho việc thiết kế logo Carolyn đã được trả 35 USD mặc dù bây giờ cô ấy tuyên bố mình lẽ ra phải được trả nhiều hơn vì đã dành nhiều thời gian hơn cho phần việc ngày hôm đó với Nike.

Tháng 9/1983, Phil Knight tặng Carolyn một chiếc nhẫn vàng đính kim cương có biểu tượng Swoosh do chính cô thiết kế. Ông thậm chí đã trao cho cô một số cổ phiếu của Nike nhưng không tiết lộ con số cụ thể như một hành động thay cho lời cảm ơn.

 

Mời bạn xem thêm một vài ẩn ý bên trong nhưng logo nổi tiếng khác:

Các logo quen thuộc lại ẩn chứa những điều rất thú vị đúng không? Hãy chia sẻ bài viết này và đừng quên like page để cập nhật nhiều tin hay ho khác.

Bài viết liên quan: